Tổ chức thành công kỳ họp HĐND đầu tiên

Hòa chung với cả nước, ngay trong ngày làm việc đầu tiên của chính quyền địa phương hai cấp (1/7/2025), các địa phương cấp xã, phường sau sắp xếp tại Nghệ An đồng loạt tổ chức Hội nghị Ban Thường vụ cấp ủy, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ cấp xã và kỳ họp thứ nhất của HĐND cấp xã. Mục tiêu là triển khai các nội dung công việc theo thẩm quyền, đảm bảo sự chuyển đổi diễn ra đúng quy định.

Toàn cảnh Kỳ họp

Tại xã Mậu Thạch, cùng ngày, các sự kiện này được tổ chức nghiêm túc, đồng bộ. Hội nghị Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ xã và kỳ họp thứ nhất HĐND xã nhiệm kỳ 2021–2026 đã diễn ra thành công. Đồng chí Lục Thị Liên, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, đã đến dự kỳ họp, thể hiện sự quan tâm của cấp tỉnh đối với sự kiện này.

Tại các hội nghị, Ban Thường vụ và Ban Chấp hành Đảng bộ xã Mậu Thạch đã tập trung thảo luận quy chế làm việc, kiện toàn và thành lập các tổ chức Đảng trực thuộc, đồng thời đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho 6 tháng cuối năm, hướng tới mục tiêu chất lượng và hiệu quả cao nhất.

Các đại biểu tham dự kỳ họp

Tại kỳ họp, HĐND xã Mậu Thạch đã công bố Nghị quyết của Thường trực HĐND tỉnh về việc chỉ định đồng chí Phạm Trọng Bình, Bí thư Đảng ủy, giữ chức vụ Chủ tịch HĐND xã và chỉ định đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư, giữ chức vụ Chủ tịch UBND xã. Các quyết định chỉ định các chức danh Phó Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch UBND, Trưởng các Ban của HĐND xã cũng được công bố, hoàn thiện bộ máy lãnh đạo mới.

Đồng thời, HĐND xã đã thảo luận và thông qua các dự thảo Nghị quyết quan trọng: Thành lập Ban Kinh tế - Ngân sách và Ban Văn hóa - Xã hội thuộc HĐND xã; thành lập 4 phòng/cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND xã gồm: Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa – Xã hội, Văn phòng HĐND-UBND và Trung tâm phục vụ hành chính công; thảo luận phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, các nội dung liên quan đến phân công chức năng nhiệm vụ của chính quyền mới và kế hoạch tổ chức kỳ họp thường lệ năm 2025.

Quyết tâm của xã Mậu Thạch

Là một xã miền núi có diện tích rộng lớn (164,26 km²) và dân số 13.200 người (được hình thành trên cơ sở sáp nhập hai xã Mậu Đức và Thạch Ngàn trước đây), Mậu Thạch hiện có tổng số 45 đại biểu HĐND, trong đó có 6 đại biểu do Thường trực HĐND chỉ định. Tuy nhiên, địa phương vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất còn hạn chế; khoảng cách giữa hai trụ sở cũ lên tới hơn 12 km, lực lượng công an xã vẫn đang sinh hoạt chung. Mậu Thạch cũng là hình ảnh điển hình cho những thách thức mà các xã miền núi phải vượt qua trong quá trình thực hiện cuộc “cách mạng hành chính” (số xã sáp nhập chỉ từ 2-3 đơn vị, địa bàn rộng, đại bộ phận người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới quá trình đầu tư, tăng gia sản xuất, phát triển kinh tế, các loại tội phạm diễn biến phức tạp).

Đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết

Tuy nhiên, với tinh thần khẩn trương và không quản ngày đêm, chính quyền và Nhân dân Mậu Thạch đã nỗ lực sắp xếp bố trí nơi làm việc cho cán bộ, chuẩn bị hội trường, đảm bảo kỳ họp đầu tiên diễn ra đúng kế hoạch và tiến độ yêu cầu. Đây là minh chứng rõ nét cho ý chí và nghị lực của đội ngũ cán bộ chủ chốt Mậu Thạch trong viết khởi đầu viết nên trang sử mới, đúng tinh thần gần dân, trách nhiệm để phục vụ Nhân dân.

Đồng chí Phạm Trọng Bình, Chủ tịch HĐND xã đã quán triệt tinh thần trước kỳ họp: "Dẫu là xã miền núi cao, điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng đề nghị toàn Đảng bộ, chính quyền, ban ngành đoàn thể quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về xây dựng một bộ máy chính quyền hiệu năng, hiệu quả, chất lượng và phát triển."

Đ/c Lục Thị Liên, Phó trưởng Ban Văn hoá - Xã hội HĐND tỉnh tặng hoa chúc mừng các đồng chí Thường trực HĐND và lãnh đạo UBND xã Mậu Thạch

Kỳ họp thứ nhất của HĐND xã Mậu Thạch nhiệm kỳ 2021-2026 đã hoàn thành toàn bộ nội dung và chương trình đề ra, đánh dấu một bước chuyển mình quan trọng. Điều này không chỉ là một khởi đầu mới mà còn mang trên mình trách nhiệm lớn lao là tiếp nối, kế thừa và phát huy truyền thống cách mạng, tiềm năng, lợi thế, khắc phục khó khăn để phát triển bền vững, toàn diện. Đây cũng là bước đi quan trọng tạo hành lang pháp lý để bộ máy chính quyền địa phương vùng miền núi vận hành thống nhất, hiệu quả và đúng quy định, khởi đầu cho một nhiệm kỳ đổi mới và phát triển