Nhiều kết quả tích cực
Thực hiện chủ trương đổi mới sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thời gian qua, ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Nghệ An đã tiến hành sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị trường học ở tất cả các cấp học, bậc học theo hướng tinh gọn, hợp lý, giảm được số lượng đầu mối, cán bộ quản lý, giảm biên chế, giảm chi ngân sách nhà nước, quy mô trường lớp lớn hơn.

Nhờ đó quy mô hệ thống trường lớp đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đến trường của học sinh và nhu cầu học tập của Nhân dân, góp phần đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.507 trường, trong đó 541 trường mầm non, 479 trường tiểu học, 397 trường THCS và 90 trường THPT.
Trong giai đoạn 2021-2025, mạng lưới trường, lớp từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh tiếp tục được rà soát sắp xếp lại. Đến nay, cơ bản mỗi xã (phường, thị trấn) đều có trường mầm non, tiểu học công lập; tăng số trường mầm non ngoài công lập ở các vùng có điều kiện thuận lợi. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 1.507 trường, trong đó mầm non có 882 trường, tiểu học có 479 trường, THCS và PTCS có 397 trường, THPT có 90 trường.
Giai đoạn năm học 2020-2021 đến năm học 2024-2025 toàn tỉnh thực hiện sáp nhập 31 trường và giảm 200 điểm trường lẻ công lập mầm non và phổ thông (mầm non giảm 11 trường, 73 điểm lẻ, tiểu học giảm 16 trường công lập, 120 điểm trường, THCS giảm 4 trường, 7 điểm lẻ). Điển hình là huyện Kỳ Sơn giảm 34 điểm lẻ, Tương Dương giảm 26 điểm lẻ, Quế Phong giảm 21 điểm lẻ, Tân Kỳ giảm 16 điểm lẻ,…

Đối với loại hình ngoài công lập năm học 2024-2025 có 62 trường mầm non tư thục (tăng 04 trường so với năm học 2020-2021) và 326 cơ sở nhóm, lớp mầm non độc lập (tăng 91 cơ sở), cấp TH và THCS tăng 02 trường ngoài công lập, cấp THPT tăng 01 trường dự kiến năm học 2025-2026 tăng thêm 02 trường.
Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo việc hợp nhất, sáp nhập các trường học có quy mô nhỏ, sáp nhập các điểm lẻ trong thời gian qua đã góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm đầu mối quản lý; tăng hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị; tránh việc đầu tư, tu sửa cơ sở vật chất một cách dàn trải trong điều kiện ngân sách còn nhiều khó khăn.
Qua báo cáo của các địa phương cho thấy, trong thời gian qua các địa phương đã tích cực thực hiện sáp nhập trường, sáp nhập điểm trường lẻ tạo thuận lợi cho việc nâng cao chất lượng toàn diện. Các trường sau sáp nhập được sự quan tâm của các cấp đã bổ sung về cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo dạy và học do đó chất lượng giáo dục được nâng lên.
Tại huyện Tương Dương, trong giai đoạn 2021-2025, đã thực hiện sáp nhập giảm 01 trường mầm non và thực hiện sáp nhập giảm được 05 điểm trường lẻ, Tiểu học đã thực hiện sáp nhập giảm được 22 điểm trường lẻ. Sau khi sáp nhập trường, điểm trường lẻ thì công tác sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên và cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền địa phương, phòng Giáo dục và Đào tạo. Đội ngũ cán bộ, giáo viên đồng thuận việc bố trí đội ngũ vì sau sáp nhập đa số là giữ nguyên số lớp, điểm trường nên không ảnh hưởng lớn đến tinh thần làm việc. Một số cán bộ quản lý gương mẫu chấp hành việc bố trí nhiệm vụ của UBND huyện. Còn về chất lượng dạy học và hiệu quả hoạt động sau sáp nhập là rất khả quan, các đơn vị thực hiện tốt công tác dạy học đảm bảo tiến độ giảng dạy theo yêu cầu chương trình GDPT mới.

Còn huyện Thanh Chương đã sáp nhập 4 điểm trường, 16 trường, số lượng trường được sáp nhập so với giai đoạn 2015-2020 tăng 8 trường. Quá trình sáp nhập trường, xây dựng trường chuẩn quốc gia đã gắn với việc bố trí giáo viên phù hợp, từng bước khắc phục được tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ giữa các cấp học, bậc học, môn học, giúp tập trung cơ sở vật chất, giáo viên để tổ chức các hoạt động dạy và học hiệu quả hơn. Đến nay, công tác sáp nhập trường, điểm trường cơ bản đạt tiến độ đề ra.
Còn không ít khó khăn
Hiện tại, toàn tỉnh vẫn còn nhiều điểm trường lẻ ở mầm non và tiểu học (882 điểm lẻ), một số địa phương còn nhiều điểm lẻ như huyện Quế Phong còn 83 điểm lẻ, Kỳ Sơn còn 223 điểm lẻ, Tương Dương còn 127 điểm lẻ,… nên gặp khó khăn trong quy hoạch mạng lưới cũng như trong việc huy động nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và bổ sung đồ dùng đồ chơi, thiết bị dạy học.
Theo nhiều địa phương như Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn,…công tác sáp nhập trường và điểm trường lẻ khó khăn nhất là đối với bậc học mầm non do yếu tố khoảng cách địa lý cách xa nhau giữa các điểm trường lẻ với nhau và với điểm chính; sự đồng thuận của phụ huynh học sinh trong thực hiện chủ trương sáp nhập cũng là một trong những yếu tố thường gặp ở vùng miền núi nơi phụ huynh đa số đi làm ăn xa nhà, con cái ở với ông bà, người thân nên phụ huynh thường ít khi đồng tình với việc đưa con đi học xa dẫn đến công tác làm tư tưởng của địa phương gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, còn có yếu tố diện tích đất và cơ sở vật chất của các điểm trường lẻ thường manh mún, đầu tư không đồng bộ và khó khăn trong việc tìm kinh phí đầu tư xây dựng phòng học mới, phòng chức năng. Tâm lý phụ huynh học sinh không đồng tình với việc sáp nhập trường do việc đưa đón con cái đi học xa nhà, phức tạp khi tham gia giao thông.
Theo đồng chí Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tao, mặc dù trong thời gian qua ngành đã có nhiều nỗ lực sắp xếp mạng lưới trường lớp, sáp nhập các điểm lẻ về điểm trường chính, tuy nhiên hiện trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại nhiều điểm trường lẻ bậc mầm non và tiểu học. Mạng lưới trường lớp manh mún sẽ ảnh hưởng đến đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng giáo dục nhất là ở vùng cao. Chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo đó gặp nhiều hạn chế…
Bên cạnh đó, do gặp nhiều yếu tố khó khăn như quỹ đất cho các cơ sở giáo dục hạn hẹp (do điều kiện tự nhiên vùng, công tác giải phóng mặt bằng khó do người dân đã định cư..), kinh phí để đầu tư xây mới trường/lớp tập trung là không đảm bảo yêu cầu đề ra. Nên việc sáp nhập trường, điểm trường lẻ được đánh giá là khó khăn.
Trong quá trình sắp xếp, sáp nhập, nhiều nơi chưa làm tốt công tác tuyên truyền vận động, người dân nên vẫn còn nhiều phụ huynh chưa thực sự đồng tình và ủng hộ.
Việc sáp nhập trường một số nơi đang mang tính cơ học, chủ yếu là sắp xếp về tổ chức, bộ máy, một số trường vẫn dạy và học ở các điểm trường cũ, gây khó khăn trong công tác quản lý, sinh hoạt chuyên môn cũng như tổ chức các hoạt động chung của các trường.
Một số trường sáp nhập trường tiểu học và trường THCS thành trường liên cấp, nhưng sau khi sáp nhập 2 cấp học vẫn hoạt động tương đối độc lập, do chuyên môn khác nhau, giờ học không đồng nhất ảnh hưởng đến công tác quản lý. Đối với bậc tiểu học chỉ được bố trí 01 đồng chí phó hiệu trưởng phụ trách cả chuyên môn, cơ sở vật chất và hoạt động bán trú nên không đáp ứng được nhiệm vụ. Việc bố trí số lượng giáo viên cũng gặp khó khăn, việc tính số tiết theo quy định đối với giáo viên các bộ môn đặc thù gặp khó khăn, nhất là giáo viên tham gia dạy học cả 2 cấp học, di chuyển đến các điểm trường khác nhau.
Cùng với đó, việc sáp nhập điểm trường tại nhiều địa phương được thực hiện trong khi chưa chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất tại điểm trường chính gây quá tải, áp lực về cơ sở vật chất trường lớp tại điểm trường chính.
Điều kiện cơ sở vật chất của nhiều đơn vị trường sau sáp nhập còn thiếu, như: Hệ thống phòng học chức năng, thư viện, thí nghiệm, nhà ở cho học sinh bán trú, nhà công vụ cho giáo viên, công trình vệ sinh, công trình nước và các hạng mục phụ trợ khác chưa đáp ứng được nhu cầu phục vụ dạy và học. Nhiều trường số lượng học sinh lớn, nhưng diện tích sân trường, khu để học sinh ngoại khóa, hoạt động tập thể không đảm bảo; không có phòng họp đáp ứng đủ cho số lượng giáo viên tham gia các cuộc họp; việc dồn ghép các điểm trường lẻ về các điểm trung tâm gặp khó khăn do diện tích khuôn viên, cơ sở vật chất còn thiếu, đặc biệt là cơ sở vật chất phục vụ nuôi dạy bán trú ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng hoạt động của các nhà trường.
Để tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh về công tác quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, Đoàn giám sát HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh rà soát, đánh giá lại việc thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp trong thời gian qua để kịp thời xây dựng quy hoạch, kế hoạch sắp xếp, phát triển mạng lưới trường lớp cho phù hợp trong với quy mô dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, định hướng chỉ đạo của Trung ương và phù hợp với tình hình mới sau khi sáp nhập, sắp xếp lại đơn vị hành chính đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục của người dân.
Chỉ đạo các địa phương thực hiện các giải pháp để giảm nhanh số lượng điểm lẻ để tập trung đầu tư xây dựng các trường bán trú, nội trú ở vùng miền núi, vùng khó khăn. Tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, vận động cán bộ, đảng viên và Nhân dân hiểu rõ chủ trương của Trung ương, của tỉnh về sự cần thiết phải sáp nhập trường học, xây dựng đơn vị trường học có quy mô lớn hơn, tinh gọn bộ máy để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, phát huy hiệu lực, hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dạy và học.
Song song với đó, cần tăng cường công tác phối hợp giữa các ngành với nhau, giữa các ngành với UBND cấp cơ sở trong quá trình quy hoạch, sắp xếp đặc biệt chú ý đến phát triển quỹ đất cho phát triển giáo dục phù hợp thực tiễn và mang tính bền vững.