
Cụ thể hoá những cam kết với quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa các đại biểu tại Tổ 4 cơ bản tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa với những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ.

Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến ( Bà Rịa - Vũng Tàu) và các đại biểu cho rằng: Qua hơn 17 năm triển khai pháp luật về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, hệ thống pháp luật đã xuất hiện nhiều bất cập, vướng mắc trong thực tiễn. Do đó, sửa đổi Luật lần này là nhằm cụ thể hoá những cam kết với quốc tế trong thời kỳ tự do hóa thương mại và thực thi các Hiệp định thương mại tự do. Đồng thời, bảo vệ người tiêu dùng trong nước, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Góp ý cụ thể vào nội dung luật, ĐBQH Nguyễn Thị Yến cho rằng nguyên tắc phân loại sản phẩm, hàng hóa cần điều chỉnh hướng quản lý theo mức độ rủi ro của sản phẩm, hàng hóa. Việc sửa đổi quy định phân loại sản phẩm, hàng hóa theo mức độ rủi ro là bước tiếp cận với thông lệ quốc tế, tiến tới hài hòa với các quy định về quản lý chất lượng trên thế giới.

“Việc quản lý theo rủi ro sẽ giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước tập trung nguồn lực vào các sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ cao, tăng cường hậu kiểm, giám sát đồng thời giảm chi phí sản xuất cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh...”, ĐBQH Nguyễn Thị Yến nhấn mạnh.
Liên quan đến Khoản 4, điều 1 của dự án Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Yến đề nghị cần bổ sung các nội dung cụ thể như sách tài chính, cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có cơ hội tiếp cận với công nghệ, đánh giá sự phù hợp, thúc đẩy hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp cải tiến năng suất, đổi mới mô hình sản xuất.
Tại điều 1, Khoản 6, Đại biểu Nguyễn Thị Yến đồng tình cao với việc luật hoá toàn bộ nội dung này. Đây là nền tảng để kiểm soát chất lượng và bảo đảm an toàn sản phẩm từ khâu thiết kế đến khi đưa ra thị trường. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nhắc về việc chuyển quy định về hạ tầng tiêu chuẩn quốc gia.

Nhất trí với các quy định về thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã được nêu trong dự thảo luật, từ ví dụ thực tiễn tại địa phương Đại biểu Quốc hội Lã Thanh Tân (Hải Phòng) cho rằng cần xem xét, bổ sung quy định về hoạt động khảo sát chất lượng sản phẩm, hàng hóa – một hình thức đang được cơ quan quản lý chất lượng tại địa phương áp dụng hiệu quả và mang lại nhiều giá trị thiết thực.
Theo đại biểu, hoạt động khảo sát này đóng vai trò quan trọng trong việc thu thập, phân tích thông tin thực tế về tình trạng chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường. Qua đó, cơ quan chức năng có thể phát hiện dấu hiệu bất thường, kịp thời cảnh báo nguy cơ rủi ro và sử dụng làm căn cứ để lựa chọn trọng tâm, trọng điểm trong các cuộc thanh tra, kiểm tra sau này. Cụ thể, từ số lượng lớn hàng hóa trên thị trường, cơ quan quản lý sẽ lựa chọn một số mặt hàng có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng hoặc môi trường để tiến hành thu thập mẫu, đánh giá chất lượng và đưa ra cảnh báo nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm.
Từ thực tế hiệu quả của hoạt động khảo sát chất lượng này, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung quy định cụ thể trong Luật về trách nhiệm của cơ quan quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong việc tổ chức và triển khai hoạt động khảo sát, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hậu kiểm và quản lý rủi ro…
Động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Góp ý dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, các đại biểu cho rằng, trong bối cảnh đất nước hiện nay và thực tế tại các quốc gia phát triển, việc ban hành Luật này hết sức cần thiết. Việc ban hành kịp thời dự án Luật này sẽ tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với bối cảnh mới… để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thật sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

ĐBQH Nguyễn Chu Hồi (Hải Phòng) đề nghị tách Điều 4 về nguyên tắc và chính sách thành 2 khoản riêng: một về nguyên tắc, một về chính sách để bảo đảm sự rõ ràng, mạch lạc. Đồng thời, đại biểu kiến nghị bổ sung thêm nguyên tắc: “Các hoạt động khoa học sử dụng ngân sách phải bắt buộc dựa trên căn cứ là làm theo đơn đặt hàng và phải có điểm hữu dụng” để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước và hạn chế các tiêu cực trong hoạt động khoa học…

Nhất trí cao với Điều 9 quy định chấp nhận rủi ro trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, ĐBQH Trần Đức Thuận (Nghệ An) cho rằng : Đây là chủ trương rất đúng đắn, bởi đổi mới sáng tạo luôn đi kèm với những rủi ro ngẫu nhiên và có những rủi ro cao. Do đó, chính sách này sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đội ngũ cán bộ khoa học dám nghĩ dám làm, dám nghiên cứu, dám đổi mới sáng tạo và trong trường hợp có những rủi ro, sẽ có những cơ chế để bảo vệ họ. Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng cần phải “cởi trói” một số quy định để tạo cơ chế để cho các tổ chức, cá nhân trong vấn đề nghiên cứu khoa học, áp dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo dám nghĩ dám làm và họ yên tâm đầu sức lực, chất xám để nghiên cứu tạo nên những sản phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.

Đồng tình với các đại biểu, ĐBQH Thái Văn Thành (Nghệ An) những nhà khoa học tham gia nghiên cứu khoa học, chấp nhận rủi ro, hoặc thực hiện các dự án thử nghiệm chấp nhận rủi ro … song trong dự thảo Luật chưa rõ quy định rõ như các đối tượng khác. Đại biểu đề nghị, nên dẫn chiếu vào là miễn trách nhiệm hình sự để tạo niềm tin, động lực cho các nhà khoa học dám nghĩ dám làm trong việc thực hiện chấp nhận các rủi ro, nghiên cứu khoa học và thực hiện dự án thử nghiệm…
Phù hợp xu hướng phát triển công nghệ hiện đại
Liên quan đến Dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi), ĐBQH Hoàng Minh Hiếu ( Nghệ An) và các đại biểu khác cho rằng, sau 17 năm thi hành, Luật Năng lượng nguyên tử năm 2008 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn đáp ứng yêu cầu quản lý thực tiễn và xu hướng phát triển công nghệ hiện đại. Trong bối cảnh Việt Nam tái khởi động chủ trương phát triển điện hạt nhân, việc sửa đổi, bổ sung toàn diện luật này trở thành yêu cầu cấp thiết nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân và tiệm cận các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là của IAEA.

Góp ý vào dự án Luật này, ĐBQH Hoàng Thị Thu Hiền (Nghệ An) nhấn mạnh: Liên quan đến nội dung nhà máy điện nguyên tử, nhà máy điện hạt nhân. Với dự thảo luật này sẽ phục vụ cho việc sắp tới nước ta sẽ khởi động các nhà máy điện hạt nhân vì vậy cần có quy định đầy đủ, chuyên nghiệp về vấn đề này về.

Đại biểu kiến nghị bổ sung về quy định: “lựa chọn tiêu chuẩn công nghệ” vì nội dung này rất quan trọng. Theo đại biểu, Việt Nam là nước đi sau nên cần lựa chọn công nghệ hiện đại và đặc biệt an toàn. Cùng với đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về Cơ quan pháp quy hạt nhân phù hợp với thông lệ quốc tế và bảo đảm tính độc lập, hiệu quả trong hoạt động của cơ quan này. Bởi theo đại biểu, khi khởi động các dự án hạt nhân rất cần sự công nhận của quốc tế vì nước ta đi sau sẽ tiếp nhận chuyển giao công nghệ, tài chính, vật liệu. Đồng thời, nếu không rõ ràng thì rất có thể nước ta sẽ đối mặt với sự giám sát, gây áp lực của bên ngoài thì điều này hoàn toàn không có lợi…