Thế nhưng, có một thực tế đáng báo động hiện nay, việc đọc sách và số sách đọc mỗi năm của người Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất thế giới. Theo Báo Thanh Niên điện tử, số ra ngày 2/10/2024, ở nước ta chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Số lượng cuốn sách đọc được khoảng 4 cuốn/năm nhưng trong số đó đã có hơn 3 cuốn là sách giáo khoa, sách tham khảo, nghĩa là người Việt chỉ đọc 1 cuốn sách/năm và thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng 1 giờ/ngày, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới. Cũng theo tờ báo này, đây là “một thực trạng rất đáng báo động trong giới trẻ”...

Nhiều bậc phụ huynh không quan tâm đến việc đọc sách của con

       Nhìn thẳng vào thực tế...

Có một thực tế đáng buồn, đó là hiện nay, rất nhiều bậc phụ huynh không quan tâm đến việc đọc sách của con. Nhiều người cho rằng, nếu con ham đọc thì khuyến khích, còn không thì thôi, vì chúng có thời gian đâu mà đọc, trong khi chương trình học đã quá tải rồi. Thậm chí, có nhiều phụ huynh không khuyến khích (thậm chí cấm) khi con say mê đọc sách văn học, sách nuôi dưỡng tâm hồn,.. vì cho rằng, mất thời gian, vô bổ, nên chuyên tâm vào đọc sách giáo khoa, tham khảo,...    

Trên thực tế, không nhiều phụ huynh biết hướng con đọc sách từ bé... Khi trẻ lên 2, lên 3, thay vì bố mẹ đọc chuyện cổ tích, đọc những bài thơ, đoạn văn ngắn.. cho con nghe những lúc rảnh rỗi, hay trước giờ đi ngủ để trẻ phát triển ngôn ngữ, nuôi dưỡng tâm hồn,.. thì họ lại dí cho con chiếc điện thoại thông minh để “chúng biết ngồi im” khi người lớn cần làm việc hoặc khi chúng không chịu ăn, quấy khóc,...

Những suy nghĩ, việc làm này của phụ huynh đã dần tạo nên sự cách ly của trẻ đối với sách, khiến trẻ sớm “nghiện” điện thoại và các thiết bị thông minh... Đây chính việc làm gây hậu quả khôn lường. Theo kết quả khảo sát của Google năm 2022, độ tuổi trung bình của trẻ em sở hữu điện thoại ở Việt Nam là 9, sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới. Một điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam cho thấy, gần 90% trẻ em từ 12 - 17 tuổi sử dụng Internet hằng ngày.

Còn trong môi trường giáo dục, dẫu các nhà trường đang nỗ lực hướng học sinh quan tâm đến việc đọc sách bằng cách: mở các thư viện, thành lập các câu lạc bộ sách, hưởng ứng các hoạt động nhân ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4 hằng năm, tham gia các cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc” cấp thành phố, cấp tỉnh, cấp quốc gia,... nhưng trên thực tế vẫn còn thiếu đi sự truyền cảm hứng một cách mạnh mẽ để học sinh thực sự yêu thích việc đọc sách.

Học sinh đọc sách tại "Ngôi nhà trí tuệ" Trường THPT Đặng Thúc Hứa (Thanh Chương)

Trên thực tế, không nhiều thư viện của nhà trường thực sự trở thành sân chơi thu hút đối với trẻ. Điều này được lý giải bởi hai nguyên nhân. Hầu hết thời gian của học sinh ở trường dành cho việc học, thời gian giải lao ít ỏi chưa đủ cho các em thoả thích với các hoạt động ngoài trời nên việc trẻ không hoặc ít tìm đến thư viện là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, hoạt động của các thư viện trường học cũng chưa thực sự trở thành “ngôi nhà chung” khơi gợi học sinh tìm đến, thậm chí có nhiều trường học, các thư viện quanh năm đóng cửa, cán bộ phụ trách thư viện kiêm nhiệm luôn công tác văn thư, thủ quỹ,.. nên không có thời gian và niềm cảm hứng đối với việc bố trí, sắp xếp không gian sao cho bắt mắt, hấp dẫn....

Hằng năm, vào dịp Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam 21/4, các nhà trường rất tích cực tổ chức các hoạt động hưởng ứng, nhưng phần đa đó là các hoạt động bề nổi như: trưng bày, giới thiệu sách, đọc diễn văn tuyên truyền, và sau đó... mọi thứ lại quay về quỹ đạo của việc dạy và học như thường ngày... Đối với cuộc thi “Đại sứ văn hoá đọc”, bên cạnh những hiệu quả tích cực thì vẫn còn tình trạng “bệnh thành tích” trong thi cử, học sinh được chọn đi thi “Đại sứ văn hoá đọc” chưa hẳn là học sinh ham đọc sách, không ít giáo viên vẫn chú trọng chọn nhân tố ăn nói lưu loát, có khả năng trình diễn,... để tham gia hòng giành giải!

Các đại biểu tham quan gian hàng Ngày Sách và Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc 2025

Chính những điều này đã không những làm giảm ý nghĩa của Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam mà còn làm giảm cảm hứng đọc sách của học sinh...

Còn đối với các em học sinh, ngày nay, trong thời đại công nghệ phát triển đến chóng mặt, các em đã sớm làm quen, và lệ thuộc vào các thiết bị thông minh. Thói quen, lướt nhanh, nghe nhanh,... đã khiến các em không còn mặn mà với việc chậm rãi với từng trang sách. Chỉ cần một cái lick, các em đã tìm được một bài văn mẫu, một đáp án nhanh cho bài toán khó,... Ngoài ra, cả một thế giới ảo mênh mông thu gọn trong tay khiến các em say mê “ôm điện thoại cả ngày”. Tuy nhiên, hệ luỵ của việc “nghiện điện thoại” thật khôn lường: Ngoài các ảnh hưởng rõ nét về sức khoẻ, tâm lý, nhân cách,... nó còn khiến các em rời xa gia đình, rời xa cộng đồng, trở thành những con người vô cảm, xa lạ với ngay cả người thân,...

Xây dựng trải nghiệm góc thư viện sách trong trường mầm non

             Đi tìm lời giải....

Vậy làm thế nào để sách thực sự là người bạn đồng hành cùng các em học sinh trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay?

Câu trả lời không khó nhưng biến nó trở thành hành động là cả một vấn đề....

Ngày nay, cuộc sống ngày càng phát triển, các ông bố bà mẹ khi chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, họ tìm đủ nguồn thông tin để làm sao nuôi con khoẻ, dạy con khôn,... Bên cạnh sự quan tâm đến việc ăn gì để con thông minh ngay từ trong bụng mẹ, nuôi con theo cách người nước này nước nọ,.. mong rằng, các bậc phụ huynh biết hướng cho con tìm đến những trang sách hay từ thuở bé như cách ông bà, cha mẹ chúng ta đã làm từ hàng nghìn năm nay: những lời ru ngọt ngào, những câu chuyện cổ tích,...  hướng tâm hồn trẻ thơ đến những điều kỳ diệu... Việc đọc sách bây giờ cũng thật nhàn tênh, nó không chỉ là việc bố mẹ mở sách đọc cho con nghe mà có thể ứng dụng các thiết bị thông minh như sách nói, video kể chuyện,.. để cả nhà cùng nghe mỗi tối... Bố mẹ nên đặt những câu hỏi đơn giản để trẻ biết tư duy, động viên, khích lệ khi trẻ trả lời đúng; chia sẻ với trẻ những đoạn sách hay, ý nghĩa... Cứ như thế, bố mẹ đã gieo vào tâm hồn trẻ thơ những trang sách đầu đời, giúp trẻ hiểu rằng, người bạn đầu tiên trong cuộc đời của mình chính là sách.

Em Nguyễn Phươg Uyên, học sinh Trường Tiểu học Lê Mao - Đại sứ văn hoá đọc tỉnh Nghệ An năm 2023, chăm chú bên cuốn sách của Nhà báo - Nhà thơ Dương Huy tặng. Nguốn ảnh: NXB Nghệ An.

      Ở các nhà trường, mong rằng, bên cạnh việc truyền tải kiến thức, các thầy cô cũng nên dành mỗi ngày một ít thời gian ngay từ các lớp mầm non để trẻ hứng thú khám phá những điều kỳ diệu qua các trang sách. Thật tuyệt vời, khi các thầy cô hướng cho các em biết tìm đến sách không chỉ để tìm những bài văn hay, đề toán khó phục vụ cho các kỳ thi...  mà còn tìm đến sách để giải trí, để hưởng thụ, để trải nghiệm và hoàn thiện chính mình. Các thư viện nhà trường nên rộng cửa mỗi ngày với các đầu sách phong phú, các góc đọc ngập tràn ánh nắng,... để thu hút các em sau mỗi giờ học, thậm chí cả ngày nghỉ,...

     Và mong sao, mỗi năm vào dịp tháng 4, Ngày Sách và Văn hoá đọc Việt Nam sẽ trở thành ngày hội đọc sách, ngày truyền cảm hứng về sách chứ không chỉ là ngày trưng bày, giới thiệu sách.... Và cuộc thi “Đại sứ Văn hoá đọc” sẽ phong phú hơn trong hình thức tổ chức, đó có thể chỉ là một bài viết ngắn gọn, súc tích về một cuốn sách làm thay đổi cuộc đời của một em học sinh, có thể là một lá thư gửi bạn bè, người thân về giá trị của một cuốn sách, hoặc là một tác phẩm văn học được học sinh sáng tác từ niềm cảm hứng đọc sách,...

     Chúng ta biết rằng, rất nhiều những thành công trên thế giới là những người chăm đọc sách: Warren Buffett - tỷ phú người Mỹ, cho đến nay vẫn giữ thói quen dành hơn 80% thời gian bên cạnh những quyển sách với châm ngôn: “Không cần biết bạn đang ở vị trí nào của cuộc đời, chỉ cần không ngừng học hỏi, sự thành công sẽ tìm đến bạn”. Bill Gates, doanh nhân giàu nhất thế giới vẫn sống cuộc đời của một “mọt sách”, ông đọc hơn 50 đầu sách mỗi năm. Kể cả ông chủ Facebook - Mark Zuckerberg cũng tương tự, khi mời cả thế giới tham gia vào thử thách của chính mình vào 2015: đọc một cuốn sách mới vào mỗi hai tuần...

Xin mượn một câu danh ngôn để kết bài: “Đọc sách có thể không giàu, nhưng không đọc, chắc chắn nghèo”.