Sau thời gian làm việc với tinh thần dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm, đã có 18 ý kiến của các đại biểu chất vấn. Sở Công thương và các cơ quan liên quan (Sở Y tế, Sở Nông nghiệp – Môi trường và Sở Khoa học Công nghệ) đã tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu với tinh thần trách nhiệm, rõ ràng. Trước đó các ngành đã có báo cáo về “Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh”, gửi thường trực HĐND tỉnh và các đại biểu nghiên cứu.

Đồng chí Nguyễn Như Khôi - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnhh kết luận chất vấn nhóm vấn đề về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh

Qua xem xét báo cáo, khảo sát thực tế; trực tiếp làm việc với một số cơ quan liên quan và qua phiên chất vấn hôm nay, có thể thấy thực trạng nghiêm trọng của tình trạng sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và thực phẩm bẩn đã và đang tác động rất tiêu cực đến sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng, tới môi trường sản xuất, kinh doanh và sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.

Công tác phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại và ATTP là một nhiệm vụ rất quan trọng, cấp thiết; các ngành các cấp đã có nhiều nỗ lực trong hoạt động tuyên truyền, kiểm soát, đấu tranh. Song hiện đây đang là một vấn đề rất phức tạp, còn nhiều khó khăn, gây tâm lý bất an trong dư luận Nhân dân. Thay mặt Chủ tọa kỳ họp, tôi xin kết luận một số nội dung chính của phiên chất vấn như sau:

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh; các cấp, các ngành, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt được những kết quả đáng trân trọng trong công tác Quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn; đã có nhiều văn bản chỉ đạo cụ thể, tổ chức tuyên truyền, tiến hành thanh tra, kiểm tra; phối hợp mở các đợt cao điểm, truy quét đấu tranh thực trạng này.

Các đại biểu tham dự  kỳ họp

Kết quả công tác kiểm tra, xử phạt, số vụ, số đối tượng, số tiền thu xử phạt đã cho thấy quy mô, tính chất phức tạp và mức độ nguy hiểm của thực trạng nói trên đối với sức khoẻ người dân, đến môi trường sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đáng kể tới nguồn thu ngân sách nhà nước; Cho thấy nỗ lực đấu tranh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn là khá quyết liệt, hiệu quả.

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua phiên chất vấn, xem xét báo cáo của các ngành và qua khảo sát thực tế, có thể thẳng thắn nhìn nhận rằng công tác quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh là vấn đề hiện cần được quan tâm đặc biệt. Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm an toàn thực phẩm, nhất là thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm bẩn, vật tư phân bón giả… từ đô thị, nông thôn đến miền núi đang diễn biến phức tạp và chưa được ngăn chặn triệt để.

Đại biểu HĐND tỉnh Lữ Thị Khuyên nêu câu hỏi chất vấn về giải pháp đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng ở khu vực miền núi, nông thôn

Với địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp; phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng tinh vi, khó kiểm soát, nhất là trước một số vấn đề mới như: sở hữu trí tuệ, gian lận qua thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến; trong khi đó các lực lượng chức năng còn gặp nhiều bất cập về nhân lực, năng lực chuyên môn, phương tiện tác nghiệp, kinh phí đảm bảo…

Sự phối hợp giữa các ngành chức năng, các địa phương có lúc, có nơi còn thiếu thường xuyên, thiếu chặt chẽ và hiệu quả. Công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, có những nội dung cần tuyên truyền chưa tới được người dân, các hộ kinh doanh đầy đủ, kịp thời. Tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương người đứng đầu còn chưa làm tròn trách nhiệm; còn có biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi phát sinh vụ việc phức tạp.

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn những điểm chồng chéo, chưa theo kịp thực tiễn, gây khó khăn trong việc áp dụng và xác định thẩm quyền xử lý vi phạm. Một bộ phận doanh nghiệp, người kinh doanh còn chạy theo lợi nhuận đơn thuần, có trường hợp cố tình vi phạm pháp luật. Trong khi đó, một số vụ việc xử lý còn kéo dài, hoặc mới xử phạt hành chính, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm và cảnh tỉnh với người tiêu dùng. Một bộ phận người dân chưa được thông tin đầy đủ, thiếu hiểu biết, điều kiện kinh tế còn khó khăn, hoặc tâm lý ham rẻ…tạo thêm cơ hội cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh trục lợi phi pháp.

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Công Văn nêu câu hỏi chất vấn về trách nhiệm quản lý Nhà nước của các tổ chức, cá nhân; Ông Phạm Văn Hoá – Giám đốc Sở Công Thương trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh

Đồng tình với những giải pháp qua báo cáo và trả lời chất vấn của Giám đốc sở Công thương và lãnh đạo các sở ngành; HĐND tỉnh đề nghị thời gian tới UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các cấp các ngành thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

(1) Tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, Kế hoạch của Trung ương, của tỉnh; đặc biệt là chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về phòng chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn: Để thực phẩm, thuốc giả thì "không thể chấp nhận được". "Không những giả mà kém chất lượng cũng không thể chấp nhận"; với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

(2) Sớm kiện toàn Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban 389); rà soát chức năng, nhiệm vụ của các sở ngành liên quan, của chính quyền cấp xã. Khắc phục dứt điểm tình trạng chồng chéo, thiếu rõ ràng về chức năng nhiệm vụ dẫn đến sự thiếu chủ động, né tránh trách nhiệm; Cần gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, lĩnh vực, địa bàn phụ trách … như báo cáo của một số ngành chức năng phản ánh; nhất là để phù hợp với hoạt động của chính quyền hai cấp hiện nay.

(3) Chỉ đạo hoạt động tuyên truyền sâu sát, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật và bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh chân chính; kỹ năng nhận biết hàng giả, hàng kém chất lượng cho người tiêu dùng (như áp dụng công nghệ mã QR, định danh số hàng hoá để minh bạch chuỗi cung ứng, xác thực nguồn gốc sản phẩm …). Tạo thuận lợi để người dân kịp thời tố giác các hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng giả, thực phẩm bẩn…

Đại biểu HĐND tỉnh Nguyễn Duy Cần nêu câu hỏi chất vấn Giám đốc Sở Y tế Nghệ An; Giám đốc Sở Y tế Lê Thị Hoài Chung trả lời chất vấn của đại biểu tại kỳ họp

(4) Ưu tiên bố trí nhân lực, phương tiện, kinh phí đảm bảo cho các cơ quan chức năng trực tiếp thực thi nhiệm vụ, nhất là ứng dụng công nghệ về chuyển đổi số, phát triển hệ thống dữ liệu dùng chung giữa các ngành liên quan trong truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm chất lượng hàng hoá; các thiết bị xét nghiệm nhanh ATTP, kho bãi bảo quản tang vật chuyên dụng. Quan tâm bố trí một số trụ sở dôi dư sau sáp nhập đơn vị hành chính cho các lực lượng chức năng trực tiếp như các đội Quản lý thị trường hoạt động tại các địa bàn nông thôn, miền núi…

(5) Chỉ đạo rà soát lại hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, sớm đề xuất cấp thẩm quyền điều chỉnh, hoàn thiện phù hợp với yêu cầu thực tiễn, nhất là đối với những vấn đề mới trong quản lý hoạt động thương mại điện tử…

(6) Trước mắt đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành liên quan tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể:

- Chỉ đạo sở Công thương chủ trì, siết chặt công tác cấp phép các mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng cấm, hàng lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng hóa vi phạm an toàn thực phẩm.

- Kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động quảng cáo hàng hoá có nội dung sai sự thật. Nâng cao năng lực quản lý việc kinh doanh hàng hóa trên môi trường thương mại điện tử; Mở rộng xúc tiến thương mại, hỗ trợ liên kết sản xuất với phân phối, hình thành chuỗi cung ứng đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm tới người tiêu dùng.

- Chỉ đạo Sở Y tế chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, thực phẩm bẩn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe, tính mạng người dân.

- Chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và an toàn thực phẩm, từ sản xuất đến tiêu thụ; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên ngành và liên ngành, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm.

- Chỉ đạo các lực lượng Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Biên phòng, Thuế và chính quyền địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, hàng hóa xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu, cảng biển, sân bay. Kiểm tra chặt chẽ hoạt động kinh doanh tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống, các trung tâm thương mại, kể cả hộ các kinh doanh nhỏ lẻ tại địa bàn dân cư, các cổng trường học. Đấu tranh mạnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là việc sản xuất, kinh doanh thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả, sữa giả, mỹ phẩm giả, thực phẩm bẩn…

(7) Tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức làm nhiệm vụ đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là năng lực phân tích, nhận diện các phương thức thủ đoạn mới, năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong theo dõi, quản lý đối tượng. Xử lý nghiêm các trường hợp bao che, đồng loã với các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn.

(8) Đề nghị các Ban HĐND tỉnh và đại biểu HĐND tỉnh tăng cường hoạt động giám sát việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, của đại biểu dân cử trong công tác Quản lý nhà nước về thực hiện các chính sách pháp luật đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thực phẩm bẩn trên địa bàn tỉnh.

Tiến hành các hoạt động giám sát đối với UBND tỉnh, các ngành liên quan, các địa phương về kết quả thực hiện các nội dung kết luận nêu trên để báo cáo với của tri, nhân dân qua các kỳ họp thường kỳ của HĐND tỉnh.

Công an Nghệ An triệt phá ổ sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất

Chống hàng giả, thực phẩm bẩn không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự đồng hành của toàn xã hội. Rất mong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh luôn chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, cùng lan tỏa đạo đức kinh doanh, nỗ lực sản xuất kinh doanh nhiều hàng hoá chất lượng cao, giá cả hợp lý; đặt lợi ích, sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu.

- HĐND tỉnh mong muốn cử tri, Nhân dân luôn là những người tiêu dùng thông thái - nói không với hàng giả, không tiếp tay và kịp thời tố giác khi phát hiện các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng. Khi mỗi người cùng hành động vì sự tử tế và an toàn, chúng ta sẽ xây dựng được một thị trường lành mạnh, một cộng đồng văn minh và một tương lai bền vững.