Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa 15 đã thông qua Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi). Theo đó luật gồm 7 chương, 45 điều, bổ sung và điều chỉnh nhiều nội dung nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đồng thời đáp ứng yêu cầu cải cách chế độ công vụ trong giai đoạn mới.
Liên thông cán bộ, công chức cấp xã với cấp tỉnh
Luật không quy định cơ chế quản lý riêng đối với cán bộ, công chức cấp xã và cán bộ, công chức cấp tỉnh.
Cán bộ, công chức cấp xã theo quy định của luật hiện hành được chuyển thành cán bộ, công chức theo quy định mới của Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện về trình độ đào tạo mà không yêu cầu về thời gian công tác, tiêu chuẩn, điều kiện của ngạch công chức.

Cán bộ, công chức muốn tồn tại phải đáp ứng được yêu cầu vị trí việc làm. Vị trí việc làm là cơ sở cho xác định biên chế, phân bổ nhân lực, làm căn cứ duy nhất để tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng và trả lương, tức là toàn bộ vòng đời của quản trị nguồn nhân lực trong khu vực công.Trong khi đó, ngạch chỉ là công cụ phụ trợ có tính kỹ thuật để phân định thứ bậc, trình độ chuyên môn trong công vụ và được thu gọn, linh hoạt hóa, tích hợp vào hệ thống mô tả khung năng lực vị trí việc làm.
Liên quan quy trình tuyển dụng, luật bổ sung nguyên tắc tuyển dụng người được tuyển chọn phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm; thực hiện tuyển dụng đối với vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ xếp ngạch chuyên viên trở lên; tiếp nhận đối với những người có tài năng, kinh nghiệm từ khu vực ngoài công lập, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) bỏ chế độ tập sự đối với người trúng tuyển, trường hợp đang thực hiện chế độ tập sự thì được xếp vào ngạch công chức tương ứng với vị trí việc làm tuyển dụng.
Quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức thống nhất ở cấp quốc gia để thực hiện chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong tuyển dụng, quản lý công chức cũng được lược bỏ.
Quản lý cán bộ, công chức theo vị trí việc làm
Về công tác quản lý, đánh giá cán bộ, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) lấy vị trí việc làm làm trung tâm, là nền tảng và cốt lõi để vận hành xuyên suốt toàn bộ hệ thống hành chính.
Cụ thể, luật bổ sung nguyên tắc trong việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ, công chức phải căn cứ vào phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực và kết quả, hiệu quả thực thi nhiệm vụ theo yêu cầu vị trí việc làm.
Đồng thời, quy định khái niệm vị trí việc làm; phân loại vị trí việc làm công chức được phân thành 3 nhóm gồm: Vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý; vị trí việc làm chuyên môn, nghiệp vụ và vị trí việc làm hỗ trợ, phục vụ; bỏ quy định thi nâng ngạch, thay vào đó là cơ chế bố trí vào vị trí việc làm nào thì xếp ở ngạch công chức tương ứng.
Ngoài ra, luật cũng bổ sung quy định chuyển tiếp thời gian hoàn thành việc bố trí vào vị trí việc làm và xếp ngạch tương ứng đối với công chức đã được tuyển dụng trước ngày luật này có hiệu lực.
Doanh nhân tiêu biểu, luật sư giỏi có thể làm lãnh đạo, quản lý với một số vị trí
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) đã hoàn thiện cơ chế thu hút nguồn nhân lực chất lượng và chính sách với người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Người có tài năng trong hoạt động công vụ là cán bộ, công chức có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, có khát vọng cống hiến, phụng sự Tổ quốc và nhân dân; có năng lực chuyên môn, kỹ năng vượt trội thể hiện qua giải quyết công việc; có tư duy đổi mới, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; đạt được những thành tích nổi bật trong hoạt động công vụ thể hiện bằng kết quả, sản phẩm cụ thể, mang lại giá trị, hiệu quả cao cho tổ chức, ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước hoặc địa phương.
Luật quy định chính sách đối với 2 nhóm đối tượng gồm: Nhóm đối tượng thu hút vào khu vực công áp dụng đối với nguồn nhân lực chất lượng cao và nhóm đối tượng là người có tài năng trong hoạt động công vụ; bổ sung khái niệm người có tài năng trong hoạt động công vụ.
Đặc biệt, bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bố trí ngân sách hằng năm để thực hiện chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ người có tài năng.
Có 3 hình thức thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ngoài khu vực công cũng được quy định trong luật, bổ sung quy định cho phép ký hợp đồng với doanh nhân tiêu biểu, xuất sắc, chuyên gia, nhà khoa học, luật gia, luật sư giỏi để thực hiện nhiệm vụ của vị trí việc làm công chức lãnh đạo, quản lý.
Luật quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm.
Kết quả đánh giá được sử dụng để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy; đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) cũng bổ sung quy định được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm nếu có sai sót, thiệt hại khi thực hiện đề xuất đổi mới, sáng tạo theo quy định của Đảng và pháp luật hoặc đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, không vụ lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nhưng vẫn gây ra thiệt hại vì lý do khách quan để thể chế hóa theo đúng tinh thần Nghị quyết số 66-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Luật đã lược bỏ hình thức kỷ luật giáng chức đối với công chức lãnh đạo, quản lý; không tiếp tục quy định hạ bậc lương là một hình thức xử lý kỷ luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất giữa quy định kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính.
Ngoài ra, luật bổ sung nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số trong đánh giá công chức; bổ sung nội dung xây dựng, quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức trong quản lý cán bộ, công chức.
Cán bộ phải xóa bỏ 'lối mòn truyền thống', tư tưởng 'sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về'
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc lưu ý, lãnh đạo, cán bộ, công chức phải đổi mới mạnh mẽ tư duy, cách làm, xóa bỏ những “lối mòn truyền thống”, tư tưởng “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”.
Mới 50% cán bộ, công chức nghỉ việc do sắp xếp bộ máy được chi trả chế độ
Công điện của Thủ tướng cho thấy, còn 4 địa phương chưa hoàn thành bố trí trụ sở, điều kiện làm việc; tỷ lệ hoàn thành chi trả chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức đã có quyết định nghỉ việc ở các địa phương mới đạt khoảng 50%.
Các tỉnh, thành ủy thực hiện công tác cán bộ theo thẩm quyền từ 1/7
Thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú vừa ký ban hành Kết luận 171 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tiếp tục triển khai, hoàn thành nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính.