bna_z6583487217479_4b2d05dc40872274e0692de203129b3c.jpg
Đoàn công tác của tỉnh Nghệ An chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn. Ảnh: Phan Hậu

Nhật ký Trường Sa

Tôi được sinh ra và lớn lên trong thời bình. Từ nhỏ cho đến bây giờ, mỗi lần nghe ca khúc “Nơi đảo xa” hay tự mình ngân nga giai điệu ấy, ngắm nhìn những người lính Hải quân trong bộ quân phục giữa nắng gió, tôi lại thầm ước một ngày nào đó được đặt chân đến Trường Sa.

Một lần, trong chuyến đi thiện nguyện, một nhàsư đã nói với chúng tôi: “Khi trong lòng có một tâm nguyện thiện lành, hãy gửi điều đó vào vũ trụ – điều ước ấy ắt sẽ linh nghiệm”. Tôi đã tin, và tôi đã gửi ước mơ của mình như thế cho nhiều năm sau đó và đến hôm nay, điều kỳ diệu ấy đã đến!

bna_unknown.jpeg
Các thành viên đoàn công tác Nghệ An thăm hỏi, tặng quà, giao lưu văn nghệ và chụp ảnh lưu niệm với các chiến sĩ trên đảo Cô Lin. Ảnh: Phan Hậu

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975-30/4/2025), 50 năm Chiến thắng Trường Sa (29/4/1975-29/4/20250 và 70 năm Ngày truyền thống Hải quân Nhân dân Việt Nam (7/5/1975-7/5/20250), tôi được xướng tên trong Quyết định 3420/QĐ-TU của Tỉnh ủy Nghệ An, tham gia Đoàn công tác ra thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1. Khi đọc quyết định, tôi vỡ òa hạnh phúc, tôi đã tự véo má mình để tin đó là sự thật: Tôi sắp được đến Trường Sa thân yêu!

Chiều 28/4, 170 thành viên đến từ 3 Đoàn công tác: Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và 2 tỉnh: Nghệ An, Thái Nguyên đã hội quân tại Lữ đoàn 125, Hải quân vùng 2, TP. Hồ Chí Minh thành Đoàn công tác số 16 mà sau này chúng tôi gọi tên thân thương, trìu mến là “đại gia đình công tác số 16, KN290 hạnh phúc và biết ơn” với 7 Trung đội, từ Trung đội 1 đến Trung đội 5 gồm 106 thành viên của Trung ương Đoàn là những Đoàn viên thanh niên, doanh nhân, ca sĩ, diễn viên, hội nhà văn, du học sinh, đại diện Hội sinh viên Việt Nam xuất sắc, tiêu biểu, phóng viên báo chí…, do đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Minh Triết làm Trung đội trưởng; Trung đội 6 gồm 29 thành viên của tỉnh Thái Nguyên do đồng chí Đặng Thế Vinh - Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy làm Trung đội trưởng và Trung đội 7 gồm 35 thành viên tỉnh Nghệ An do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long, Phó trưởng đoàn công tác số 16, Trưởng đoàn công tác của tỉnh làm Trung đội trưởng.

Trong không khí rộn ràng những ngày lễ lớn của đất nước, chúng tôi chính thức “nhập ngũ” với những xưng hô rất “lính”, rất thân thương: các đồng chí lãnh đạo của Đoàn công tác được gọi là “thủ trưởng”, còn chúng tôi là những “binh nhì”, ai cũng hào hứng, hồi hộp chờ đợi giây phút “lính biển” ra khơi.

Giây phút thiêng liêng của cuộc đời

Trong âm vang của bài hát “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” và không khí hào hùng của chương trình truyền hình trực tiếp Lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước, tàu KN-290 rời cảng. Trên tay chúng tôi, người dưới đất liền, người trên boong tàu là những lá cờ đỏ sao vàng được giương cao, tung bay kiêu hãnh. Tiếng hát, tiếng cười xen lẫn rung rưng nước mắt... Giây phút ấy, trái tim tôi như nghẹn lại! Sự thật chúng tôi đang tiến về Trường Sa - nơi trái tim Tổ quốc đang đập giữa đại dương bao la.

bna_z6583370043087_b11813307de32c55c2cfe8f77b8cdf8e.jpg
Đồng chí Thái Thị An Chung - Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh cùng đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà gia đình anh Phan Văn Thanh, quê Thanh Chương, tỉnh Nghệ An là hộ dân ở đảo Tây A. Ảnh: Phan Hậu

Chuyến hải trình đưa chúng tôi đến với những hòn đảo thiêng liêng: Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Tây A, Trường Sa… và Nhà giàn DK1. Mỗi điểm đến là một trang ký ức xúc động không thể nào quên.

Ở đây, chúng tôi đã được chứng kiến sự kiên cường của những người lính đảo ngày đêm thực hiện sứ mệnh thiêng liêng, cao cả; được tận tay trao những món quà tri ân, gặp gỡ, giao lưu, tâm tình với những người lính đảo, với những người dân huyện đảo, vào lớp học “hoạt náo” với những thiên thần nhỏ, được nhìn thấy ánh mắt trong veo của các em - những “công dân nhí” mang hồn Tổ quốc giữa đại dương, được hoà mình cùng với các bạn đoàn viên thanh niên, ca sĩ, nhạc sĩ… gửi trao “món ăn tinh thần” quý giá tặng cho những người lính đảo. Những ca khúc ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ… ngân vang, và nhớ nhất là điệp khúc: “Ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đứng đây gìn giữ quê hương. Biển này là của ta, Đảo này là của ta. Trường sa…”

bna-_unknown.jpeg
Giao lưu văn nghệ với chiến sĩ, với các em nhỏ, gặp gỡ nhà dân trên đảo. Ảnh: Phan Hậu

Ở đây, là những giây phút chúng tôi không cầm được nước mắt trong các buổi lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã chiến đấu kiên cường, hy sinh anh dũng để giữ đảo Gạc Ma, giữ thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc ở các tỉnh phía Nam. Những bông hoa và những con hạc giấy đã chuyên chở tâm niệm, lời nguyện cầu tri ân sâu sắc của chúng tôi thầm gửi đến các anh trong vũ trụ và biển cả bao la.

Ở đây, là những ngày “người lính” chúng tôi chấp hành nghiêm túc điều lệnh về giờ ăn, giờ ngủ, những thông báo triệu tập gấp trên boong tàu để hội ý Trung đoàn, luyện tập văn nghệ, trăn trở làm báo tường, sáng tác thơ ca về biển đảo… Là những buổi đón chờ bình minh và hoàng hôn để “săn” những bức ảnh đẹp, ý nghĩa giữa lòng biển đảo bao la và bình yên. Là những đêm râm ran tiếng cười át tiếng sóng biển của đại gia đình công tác số 16-KN290 ở những cuộc thi văn nghệ… Là sự nỗ lực, cố gắng của của những vận động viên tham gia các môn thể thao: chạy bộ, bóng đá và pickllebal giữa thời tiết vô cùng khắc nghiệt với slogan “Khỏe để bảo vệ chủ quyền biển đảo”…

bna_333known.jpeg
Sôi động cuộc thi làm báo tường chủ đề biển đảo quê hương. Ảnh: Phan Hậu

Đó còn là giây phút vỡ òa cảm xúc khi tại lễ tổng kết các cuộc thi hành trình vì Biển đảo quê hương, Trung đội 7 Nghệ An được Ban tổ chức trao giải Nhất (văn nghệ), Giải Ba (báo tường) và một số cá nhân khác của Trung đội cũng được nhận giải khuyến khích về cuộc thi, giấy khen, giấy chứng nhận vì có thành tích tiêu biểu trong thực hiện nhiệm vụ chuyến công tác, và bản thân tôi cũng giành được giải Ba “Viết về biển, đảo quê hương”. Tôi sẽ không bao giờ quên những cảm xúc rất thật của hành trình và sự nỗ lực của một đêm say sóng dậy kê vali để viết về tình yêu biển đảo….

bna_lkkknown.jpeg
Trao giải cho các đội thi báo tường. Ảnh: Phan Hậu

Và hơn thế nữa, ở đây, chúng tôi luôn nhận được tình cảm gần gũi, thân thương như người nhà, sự quan tâm, chăm sóc ân cần, chu đáo của những chiến sĩ Hải quân mà trong ngôi nhà chung KN290 này, họ vừa là thủy thủ, vừa là chiến sĩ thường trực chiến đấu, vừa là y, bác sĩ, vừa là “anh nuôi”…

Cũng chẳng thể quên được những nắm cơm vắt trộn vừng lạc, bát cháo nóng các anh đưa đến tận nơi cho các thành viên đoàn những ngày say sóng. Qua cơn say, mọi người lại vào phụ bếp, cùng các chị, các em vừa nhặt rau, vừa ngân nga “Không xa đâu Trường Sa ơi! Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em…” để át đi cảm giác chòng chành, chao đảo giữa biển khơi.

bna_z6583435051083_78648d3841a07911b8362c104c675279.jpg
Các thành viên trong đoàn công tác chung tay vào bếp. Ảnh: Phan Hậu

Nơi trái tim ở lại

Đêm cuối cùng, chia tay Trường Sa, sau nghi thức trang trọng, những ca khúc ca ngợi Tổ quốc, ca ngợi Bộ đội Cụ Hồ lại ngân lên. Tiếng còi tàu vang lên báo hiệu chuẩn bị rời đảo về đất liền, “trên bến, dưới thuyền” nghẹn ngào đối đáp hô vang: “Trường Sa vì Tổ quốc! Tổ quốc vì Trường Sa!”.…

Tàu rẽ sóng rời bến, khi tàu đã đi khá xa, chúng tôi vẫn nhìn thấy những ánh đèn flash điện thoại của quân và dân đảo Trường Sa vẫy chào trong màn đêm, và tất thảy đã òa khóc như những đứa trẻ không phải vì chia tay, mà vì trái tim chúng tôi đã ở lại nơi ấy - nơi có những con người can trường nơi đầu sóng ngọn gió vì sự bình yên của Tổ quốc, nơi Tổ quốc hiện hữu thiêng liêng!

bna_1.jpeg
Lãnh đạo Đoàn Nghệ An được trao tặng Kỷ niệm chương vì Biển đảo quê hương; Binh nhì Phan Thị Bích Hậu (Trung đội 7 Nghệ An) đạt giải 3 cuộc thi viết về Biển đảo quê hương; Tặng quà cho chiến sĩ Hải quân người Nghệ An ở đảo Len Đao. Ảnh: Phan Hậu

Là người con trong gia đình có nhiều thân nhân đã chiến đấu, anh dũng hy sinh hay bỏ lại một phần xương máu nơi chiến trường vì sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc, có Bà mẹ Việt Nam anh hùng, tôi thấm thía sâu sắc sự mất mát, đau thương của chiến tranh, giá trị của hòa bình, độc lập. Được đặt chân lên Trường Sa trong những ngày tháng lịch sử của đất nước là món quà vô giá, là dấu ấn sâu đậm nhắc nhở tôi sống trách nhiệm hơn với quê hương, đất nước, góp phần nhỏ bé của mình viết tiếp câu chuyện hòa bình mà bao thế hệ đã đánh đổi bằng xương máu. Tôi biết ơn sâu sắc những người lính đảo - những “cột mốc sống” giữa trùng khơi, coi “Đảo là nhà, Biển cả là quê hương”, và rất đỗi tự hào vì đã được cùng họ khắc ghi tình yêu Tổ quốc trong hành trình “Vì Biển đảo Quê hương”.

Trường Sa không xa, Trường Sa luôn trong tim tôi như một lời hứa, một niềm tin thiêng liêng không bao giờ tắt vào thế hệ chiến sĩ hôm nay - những người không ngừng viết tiếp truyền thống anh hùng của Hải quân Nhân dân Việt Nam: “Chiến đấu anh dung-Mưu trí sáng tạo - Làm chủ vùng biển -Quyết chiến, quyết thắng”.

Tôi biết ơn sâu sắc vì được cùng “đại gia đình Công tác số 16 – KN290” sống trọn một hành trình ý nghĩa, thiêng liêng với Trường Sa từ ngày 28/4 đến 7/5/2025. Chúng tôi đã trở về đất liền, mang theo trọn vẹn cảm xúc cùng với một số dự định tốt đẹp dành cho lính đảo sau chuyến công tác này.