bna_z6605484519131_7fc1ce46c73df21ad00fa1e2c2b5125e.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và tỉnh Nghệ An cắt băng khánh thành Tượng “Bác Hồ về thăm quê”. Ảnh: Thành Cường

Khoảnh khắc thiêng liêng ấy càng trở nên ý nghĩa khi vang lên giai điệu hào hùng của bản nhạc kèn “Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân”, do dàn nhạc kèn Đoàn Nghi lễ Công an nhân dân biểu diễn, như một lời tri ân thành kính của lực lượng Công an đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện lực lượng Công an Việt Nam.

Sự kiện diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Làng Sen năm 2025 được tổ chức quy mô toàn quốc. Đây là hoạt động văn hóa trọng điểm chào mừng kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), là dịp để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta ôn lại cuộc đời, sự nghiệp và tình yêu tha thiết của Người đối với quê hương, đất nước.

bna_z6605484519130_e88f3c0df518b887b53f15e92efc64f6.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước dự khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 và khánh thành Tượng “Bác Hồ về thăm quê”. Ảnh: Thành Cường

Dự chương trình có đồng chí Nguyễn Sinh Hùng - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Lê Minh Hưng - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Phan Đình Trạc - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Duy Ngọc - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đại tướng Phan Văn Giang - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Đại tướng Lương Tam Quang - Bộ trưởng Bộ Công an; Nguyễn Văn Nên - Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Cùng dự có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Lê Hoài Trung - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Trần Lưu Quang - Trưởng Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương.

Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng: Võ Thị Ánh Xuân - Phó Chủ tịch nước; Bùi Thanh Sơn - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Khắc Định - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Lại Xuân Môn – Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Phạm Gia Túc – Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; Lê Quốc Minh - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Nguyễn Thị Tuyến - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an.

Cùng dự có đồng chí Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo Quân khu 4.

Đại biểu các tỉnh, thành phố có các đồng chí: Nguyễn Đình Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk; Lê Ngọc Quang - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; Nguyễn Long Hải - Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị; Nguyễn Duy Lâm - Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Cao Thị Hòa An - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Yên; Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An có các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy; Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Hồng Vinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Thị Minh Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND, UBND tỉnh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các ban, sở, ngành, địa phương.

bna_z6605484519085_561419692e620bad6af0d463f0779aae.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 và khánh thành Tượng “Bác Hồ về thăm quê”. Ảnh: Thành Cường

Ngày 16/6/1957, sau 51 năm xa quê hương để lên đường tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên trở về thăm lại Kim Liên, nơi Người đã cất tiếng khóc chào đời, lớn lên trong vòng tay của gia đình, quê hương và truyền thống yêu nước.

Dẫu đã đi khắp năm châu, bốn bể, nhưng trong trái tim Người, hình ảnh làng Sen, núi Chung, dòng sông Lam… luôn in đậm như một phần máu thịt. 4 năm sau, ngày 8/12/1961, Bác trở lại thăm quê lần thứ hai.

Cả hai lần về quê, Người đều để lại trong lòng đồng bào “quê hương nghĩa trọng tình cao” những ấn tượng sâu đậm không chỉ bởi phong cách mộc mạc, giản dị, gần gũi, mà còn bởi tình yêu quê hương son sắt, nỗi trăn trở về sự nghiệp xây dựng đất nước và khát vọng dựng xây một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, phồn vinh, hạnh phúc.

Công trình Tượng “Bác Hồ về thăm quê” là món quà đầy ý nghĩa mà lực lượng Công an nhân dân trân trọng tặng Đảng bộ và nhân dân Nghệ An - quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.

Đây không chỉ là công trình nghệ thuật tiêu biểu, mà còn là biểu tượng thiêng liêng của tình cảm, lòng biết ơn và sự kính trọng đặc biệt đối với Người.

Tượng được đúc bằng đồng nguyên khối theo nguyên mẫu bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh lần thứ 2 về thăm quê năm 1961. Tổng chiều cao của Tượng đài là 12,5m, bao gồm: Tượng và bệ tượng. Trong đó, tượng cao 8,3m gồm: thân tượng cao 7,9m, đế tượng cao 0,4 m; bệ tượng cao 3,75m, gồm có 3 bậc: Bậc 1 cao 0,75 m, bậc 2 cao 0,45 m, bậc 3 - bệ trên cùng gắn với tượng đồng cao 2,25 m. Tượng nặng khoảng 6 tấn, bằng chất liệu đồng, ép thủy lực, nhìn về hướng Bắc.

Công trình được đặt tại Sân vận động Làng Sen, nơi Bác Hồ đã nói chuyện với nhân dân trong hai lần trở về thăm quê Kim Liên vào năm 1957 và 1961, không chỉ mang giá trị nghệ thuật, kiến trúc, mà còn giàu tính biểu tượng và chiều sâu lịch sử.

Trong phát biểu khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2025 và khánh thành Tượng “Bác Hồ về thăm quê”, đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhấn mạnh: Từ nay, trong quần thể không gian Làng Sen và Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên có thêm công trình vô cùng có ý nghĩa.

“Sự hiện diện của bức tượng Bác về thăm quê làm cho mọi người luôn thấy Bác như vẫn bên ta mỗi ngày, với trái tim yêu thương mênh mông và tình cảm thiêng liêng với quê hương “nghĩa trọng tình cao”; nhắc nhở mỗi chúng ta luôn ghi nhớ và cần tiếp tục nỗ lực hơn nữa để xây dựng quê hương ta, đất nước ta “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên khát vọng hùng cường, hội nhập toàn diện và đổi mới sâu rộng của đất nước”, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An khẳng định.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung bày tỏ cảm ơn chân thành tới các đồng chí lãnh đạo Bộ Công an và cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân Việt Nam về công trình giàu ý nghĩa lịch sử, chính trị, nghệ thuật và nhân văn sâu sắc này; trân trọng cảm ơn Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đồng hành trong quá trình xây dựng Tượng “Bác Hồ về thăm quê” và phối hợp tổ chức hiệu quả các hoạt động Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2025.

bna_z6605484519114_3890797b634dcdbe4dfec078eb61cd6a-468293eef0e86367912ea03329f961ed(1).jpg
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại chương trình. Ảnh: Thành Cường

Phát biểu tại buổi lễ, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh: Tượng “Bác Hồ về thăm quê” mang ý nghĩa chính trị, văn hóa sâu sắc, thể hiện lòng tri ân của Đảng, Nhà nước, Nhân dân và lực lượng Công an nhân dân đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, đối với lực lượng Công an nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm đặc biệt và những lời chỉ dẫn ân cần. Người đã để lại nhiều di sản vô giá, tiêu biểu là: Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, đã trở thành kim chỉ nam hành động, động lực thôi thúc các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Công an nỗ lực rèn luyện, phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó: bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Với mong muốn, Tượng “Bác Hồ về thăm quê” không chỉ là một công trình biểu tượng, mang giá trị lịch sử và nhân văn sâu sắc, mà còn là một công trình văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, trở thành địa chỉ đỏ, điểm đến hấp dẫn, thu hút đông đảo đồng bào, đồng chí và du khách trong, ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, tri ân, học tập, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an trân trọng đề nghị cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và nhân dân tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp chặt chẽ, quản lý, giữ gìn, phát huy giá trị của công trình một cách thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới.

Tượng “Bác Hồ về thăm quê” là điểm nhấn trang nghiêm trong không gian văn hóa Kim Liên - vùng đất thiêng liêng đã hun đúc nên nhân cách, tư tưởng và tầm vóc của một vĩ nhân. Công trình không chỉ góp phần làm phong phú thêm không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên chính mảnh đất cội nguồn, mà còn trở thành “địa chỉ đỏ” trong hành trình giáo dục truyền thống yêu nước, tinh thần cách mạng và lý tưởng sống cao đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau.