Đó là nhận định của đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (tỉnh Nghệ An) - Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Pháp luật và Tư pháp khi trao đổi với VietNamNet xung quanh các giải pháp tháo gỡ nút thắt về thể chế đang được xem là "điểm nghẽn của điểm nghẽn” hiện nay.
Cải cách tư pháp cần được coi là một trong những trụ cột của đột phá thể chế
Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh rằng “thể chế là điểm nghẽn của điểm nghẽn”. Theo ông, vì sao cần đột phá thể chế vào lúc này? Những lĩnh vực nào cần ưu tiên tháo gỡ?
Tổng Bí thư đã nhiều lần khẳng định thể chế chính là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, bởi vì trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng ta xác định gồm thể chế, hạ tầng và nguồn nhân lực thì thể chế đóng vai trò nền tảng, dẫn dắt và định hướng sự vận hành của 2 yếu tố còn lại.
Không có một thể chế đủ minh bạch, hiệu quả và hiện đại thì dù nguồn lực có dồi dào, hạ tầng có được đầu tư mạnh cũng không thể phát huy tối đa hiệu quả. Vì thế, muốn phát triển nhanh và bền vững, trước hết phải gỡ nút thắt về thể chế.

Hiện nay, dù Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội nhưng một số bất cập trong thể chế vẫn cản trở sự phát triển. Do đó, đột phá thể chế vào thời điểm này là phù hợp, đáp ứng yêu cầu cấp bách để tháo gỡ những rào cản và tạo động lực mạnh mẽ, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh cùng những biến động địa chính trị quốc tế phức tạp.
Không có một thể chế đủ minh bạch, hiệu quả và hiện đại thì dù nguồn lực có dồi dào, hạ tầng có được đầu tư mạnh cũng không thể phát huy tối đa hiệu quả.
Các lĩnh vực cần ưu tiên tháo gỡ thể chế gồm sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; những giải pháp đột phá để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; các giải pháp để thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân.
Ngoài ra, cá nhân tôi nhận thấy cũng cần ưu tiên lĩnh vực cải cách tư pháp. Đây là một nội dung rất quan trọng bởi một nền tư pháp độc lập, liêm chính và chuyên nghiệp là điều kiện tiên quyết để công dân và doanh nghiệp tin tưởng rằng quyền và lợi ích hợp pháp của họ được bảo vệ một cách bình đẳng.
Đối với nhà đầu tư, đây là yếu tố quan trọng không kém các ưu đãi thuế hay chi phí lao động thấp. Khi các tranh chấp được giải quyết nhanh chóng, công bằng và theo quy trình minh bạch, doanh nghiệp sẽ không phải bỏ thêm chi phí để bảo đảm thực hiện các giao dịch. Điều này giảm đáng kể “chi phí ẩn”, vốn là một trong những rào cản lớn đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một nền tư pháp chuyên nghiệp cũng góp phần củng cố tính thống nhất, rõ ràng và khả năng tiên liệu của pháp luật. Doanh nghiệp có thể tính toán được rủi ro pháp lý, từ đó yên tâm xây dựng chiến lược dài hạn. Do đó, cải cách tư pháp cần được coi là một trong những trụ cột của đột phá thể chế, ngang hàng với đổi mới quản trị công, hoàn thiện thị trường và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tập trung vào những nội dung cấp bách để tháo gỡ điểm nghẽn
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: "Để đất nước vươn mình phát triển mạnh mẽ, chúng ta dứt khoát nói 'không' với bất cứ hạn chế, bất cập nào trong thể chế, pháp luật; không thỏa hiệp với bất kỳ yếu kém nào trong thiết kế chính sách, soạn thảo pháp luật, hay tổ chức thực thi"?
Phát biểu của Tổng Bí thư không chỉ là một thông điệp mạnh mẽ về yêu cầu đổi mới thể chế mà còn là lời nhắc nhở sâu sắc về trách nhiệm chính trị, đạo đức và chuyên môn của mỗi chủ thể tham gia vào quá trình xây dựng pháp luật.
Trong thực tiễn vẫn còn những bất cập từ khâu hoạch định chính sách, soạn thảo cho đến ban hành và tổ chức thi hành luật.
Có những đạo luật chưa sát thực tiễn, còn nặng tính hình thức; có những văn bản luật ra đời nhưng phải chờ rất lâu mới có hướng dẫn thi hành; có những quy định tốt nhưng thiếu cơ chế thực thi, khiến luật không đi vào cuộc sống.
Đó là những gì mà chúng ta không thể thỏa hiệp nếu muốn pháp luật trở thành công cụ kiến tạo phát triển và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Theo ông, Quốc hội nói chung và mỗi đại biểu nói riêng cần thay đổi như thế nào trong tư duy và hành động để công tác lập pháp đáp ứng yêu cầu mới, để mỗi chính sách được thông qua thực sự “đi vào cuộc sống” như Tổng Bí thư nhấn mạnh?
Để thực hiện được tinh thần này trong hoạt động lập pháp, Quốc hội nói chung và mỗi đại biểu nói riêng cần tập trung vào một số yêu cầu cơ bản.
Thứ nhất, cần xác định rõ ưu tiên lập pháp, trong đó tập trung vào những vấn đề thật sự cấp bách, có tác động lớn để có phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời. Thời gian của mỗi kỳ họp, mỗi nhiệm kỳ Quốc hội là hữu hạn trong khi nhu cầu pháp luật lại rất lớn. Ví dụ tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội lần này có hơn 54 nội dung lập pháp. Vì vậy, cần lựa chọn trọng tâm, tập trung vào những nội dung cấp bách để tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, có tác động lan tỏa, kích hoạt động lực tăng trưởng mới.

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, đổi mới tư duy lập pháp. Nghị quyết số 66/2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới đã nêu rất rõ những yêu cầu về đổi mới tư duy lập pháp. Trong đó, chúng tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là cần tiếp tục là tăng cường tính khoa học trong hoạt động lập pháp.
Lập pháp không chỉ đề ra các mục tiêu chính trị mà còn là một quá trình kỹ thuật chuyên sâu, một khoa học nghiêm túc, đòi hỏi bằng chứng, đánh giá tác động, tham vấn chuyên sâu và ngôn ngữ pháp lý chuẩn xác.
Một đạo luật muốn đi vào cuộc sống trước hết phải đúng, rõ, khả thi và phù hợp với thực tiễn vận hành của xã hội và thị trường. Một đạo luật tốt không chỉ đúng về nội dung mà còn phải rõ ràng, mạch lạc, dễ áp dụng.
Thứ ba, cần đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực hoạt động lập pháp của Quốc hội. Chúng ta đã xem “thể chế là đột phá của đột phá”, thì hoạt động lập pháp, kiến tạo thể chế cần được ưu tiên nguồn lực tương xứng, từ con người, thời gian, ngân sách, đến cơ chế phối hợp chuyên gia, nhà khoa học và phản biện xã hội.
Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thông qua nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng và tổ chức, thi hành pháp luật. Tôi rất mong nghị quyết này ra đời sẽ là bệ đỡ để nâng cao năng lực lập pháp của Quốc hội và các chủ thể liên quan, trong đó không chỉ về con người mà còn cả việc ứng dụng công nghệ thông tin.
Lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, kịp thời điều chỉnh chính sách
Một điểm nhấn trong bài viết "Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình” của Tổng Bí thư là tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng”. Theo ông, tư duy này có thể áp dụng như thế nào trong quá trình lập pháp, điều hành chính sách hiện nay?
Cụm từ “vừa chạy vừa xếp hàng” mà Tổng Bí thư sử dụng trong bài viết là một cách nói rất hình tượng nhưng cũng rất thực tiễn. Đây là cách đặt vấn đề đúng, phù hợp với bối cảnh hiện nay, với sự biến động, thay đổi rất nhanh của các yếu tố tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, trong khi thể chế và pháp luật của chúng ta nhiều khi lại chậm trễ, nặng quy trình, hoặc quá cầu toàn nên không theo kịp yêu cầu cuộc sống.
Tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng” thể hiện tinh thần chủ động, linh hoạt và quyết đoán, vừa đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn, vừa từng bước hoàn thiện thể chế, pháp luật để đảm bảo tính bền vững.
Trong lĩnh vực lập pháp và điều hành chính sách, tư duy này được hiểu là cần có sự phản ứng chính sách nhanh chóng hơn nữa, phù hợp với yêu cầu của cuộc sống, không thể đợi hoàn thiện mọi thứ một cách tuyệt đối mới hành động mà phải hành động trên nền tảng linh hoạt, có kiểm soát, đồng thời tiếp tục hoàn thiện trong quá trình thực hiện.
Điều này đặc biệt đúng đối với các lĩnh vực mới nổi trong quá trình phát triển của khoa học công nghệ hiện nay như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, thị trường tài sản ảo, công nghệ trí tuệ nhân tạo, dữ liệu cá nhân, thị trường tín chỉ carbon…
Đối với Quốc hội, tư duy "vừa chạy vừa xếp hàng" mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thời điểm hiện nay. Theo đó, Quốc hội cần chủ động hơn nữa trong việc đưa các vấn đề nóng, bức xúc của xã hội vào chương trình nghị sự và kịp thời ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh.
Tuy nhiên, quá trình này phải đảm bảo chất lượng, tránh tình trạng chạy theo sự vụ mà bỏ qua tính chiến lược và bền vững của hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Quốc hội và các cơ quan nhà nước cần có cơ chế linh hoạt để lắng nghe phản hồi từ thực tiễn, kịp thời điều chỉnh, sửa đổi những quy định không còn phù hợp tổng thể về hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ và hiệu quả trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật.
Việc ban hành pháp luật phải ưu tiên tính thực tiễn và khả thi của pháp luật, giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra. Đối với những vấn đề thực tiễn chưa có tiền lệ cần nghiên cứu, áp dụng “cơ chế thử nghiệm có kiểm soát” để cho phép thử nghiệm các sản phẩm, dịch vụ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, chưa có pháp luật điều trong phạm vi và thời gian xác định, để vừa làm vừa quan sát, đánh giá, điều chỉnh.
Tóm lại, tư duy “vừa chạy vừa xếp hàng” là một cách tiếp cận phù hợp trong giai đoạn có nhiều yếu tố biến đổi nhanh, phức tạp và khó lường như hiện nay.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với Quốc hội và chủ thể khác trong quy trình lập pháp là phải năng động, đổi mới tư duy làm luật, chấp nhận thử nghiệm có kiểm soát; coi việc hoàn thiện chính sách là một quá trình sống động, gắn liền với thực tiễn chứ không thể đóng khung trong quy trình khép kín.