Truyền thống quê hương Làng Đỏ anh hùng

Theo bản khai lý lịch, Nguyễn Mạnh Cầm sinh ngày 15 tháng 6 năm 1929 tại làng Yên Dũng Thượng, nay là phường Hưng Dũng, thành phố Vinh. Về ngày sinh của ông, anh Nguyễn Cẩm Tú, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương - con trai ông chia sẻ: “Ông nội tôi là cụ Nguyễn Khắc Đống, công nhân Trường Thi, có lần nói với tôi: Cha mi (ông Nguyễn Mạnh Cầm) sinh trước Tết năm Dần, mùa đông, bà đang đi cấy thì đẻ ở ngoài ruộng… Nhà nghèo, lớn rồi mới được đi học cố đạo người Pháp, vì cha mẹ chưa biết quan tâm nên cố đạo khai sinh cho học trò, cứ ngày mồng một, mười lăm mà khai. Năm sinh cũng tự nghĩ ra”… Anh Tú cũng giải thích, ông Cầm vốn họ Nguyễn Khắc nhưng khi mới đẻ ra, do nhà nghèo không nuôi được, gia đình phải gửi cho nhà họ Nguyễn Mạnh nuôi. Vì thế ông lấy tên Nguyễn Mạnh Cầm và giữ mãi tên đó để thể hiện một sự biết ơn.

Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm

Làng Đỏ - Hưng Dũng quê ông là cái nôi cách mạng nổi tiếng. Trước năm 1930, nhiều người con Hưng Dũng, trong đó có những người thân trong gia đình Nguyễn Mạnh Cầm đã theo Tân Việt cách mạng Đảng, rồi Hội Thanh niên cách mạng, những tổ chức tiền thân của Đảng.

Hiện nay, Hưng Dũng còn cả một cụm di tích lịch sử để ghi dấu truyền thống cách mạng qua các thời kỳ, như dăm Mụ Nuôi, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên ngày vào ngày 3/4/1930. Đình Trung, hồi đó gọi là “Nóc bát hương”, nóc của 8 thôn xóm, là nơi nông dân tước triện của lý trưởng, nơi tuyên bố thành lập và là trụ sở của chính quyền Xô viết đầu tiên...

Trong cuộc biểu tình ngày 1/5/1930, và trong khủng bố trắng nhiều đảng viên và những người con ưu tú của Hưng Dũng đã bị giết hại như Nguyễn Tiến Cuông, Lê Công Thống, Nguyễn Sỹ Chính, Nguyễn Đôn Nhoãn, Nguyễn Đức Tiềng… Nhiều người khác bị địch bắt. Sau khi Bí thư Nguyễn Tiến Cuông hy sinh, Nguyễn Khắc Lịch được bầu làm Bí thư. Sau Nguyễn Khắc Lịch có Nguyễn Khắc Hạp, cả hai đều là người trong họ với Nguyễn Mạnh Cầm và là người nêu gương, giác ngộ cách mạng cho ông từ những ngày niên thiếu.

Di tích Đình Trung

Làng Đỏ còn là nơi đóng của Xứ ủy Trung Kỳ, nơi chở che cho các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Nguyễn Đức Cảnh, Lê Viết Thuật, Nguyễn Văn Linh,… ngày Đảng còn hoạt động bí mật.

Trong 8 năm chiến tranh phá hoại (1964 - 1973), do Hưng Dũng, Hưng Hòa là nơi có kho xăng, cơ sở quân sự và hậu cần quân đội, gần cảng sông nên bị đánh phá rất ác liệt ngay từ trận đầu ngày 5/8/1964. Tổng cộng, chúng đã đánh vào Hưng Dũng 592 trận với 5.674 quả bom, 104 quả rốc két, 350 quả pháo hạm, bị rải thảm bởi  máy bay B52.  “Làng Đỏ” trở thành đất lửa. Cả làng quanh mâm pháo, đặc biệt dân quân Hưng Dũng đã viết tiếp trang sử oanh liệt của quê hương mình bằng việc bắn rơi máy bay đầu tiên của Mỹ trên bầu trời thành phố Vinh ngày 1/9/1967, bắn rơi một F-4H vào ngày 25/7/1968, bắt sống giặc lái…

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh và trong hai cuộc kháng chiến, Hưng Dũng đã có 201 người hy sinh vì Tổ quốc; 10 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; là địa phương vinh dự và tự hào khi 2 lần được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (năm 1970 và 2014)...

Làm cách mạng để cống hiến, không phải vì chức vụ

Được người anh họ là Nguyễn Khắc Hạp giác ngộ, Nguyễn Mạnh Cầm đã sớm tham gia Việt Minh, sớm được đoàn thể tín nhiệm. Năm 1945 khi mới 16 tuổi, ông đã được bầu làm Bí thư Thanh niên Cứu quốc xã. Năm 17 tuổi, ông vinh dự được đứng vào hàng ngũ Đảng. 18 tuổi làm Bí thư Thanh niên kiêm Chánh Văn phòng Huyện ủy Hưng Nguyên.

Năm 1950, đang là cán bộ Ủy ban hành chính kháng chiến Liên khu 4 thì Nguyễn Mạnh Cầm được cử lên Việt Bắc theo lớp đào tạo cán bộ nguồn. Ông kể: “Tôi bước vào nghề ngoại giao như là định mệnh. Được cử ra chiến khu học lớp cán bộ nguồn. Một hôm, Cụ Hồ đến nói chuyện với lớp học. Bác nói nhiều, nhưng đại ý là hiện nay đang còn kháng chiến, nhưng vài năm nữa chúng ta sẽ hòa bình. Vì vậy chúng ta phải chuẩn bị cho tương lai… Mùa hè năm 1950, tôi được cử sang Bắc Kinh học tiếng Nga. Tôi được học cô giáo Nga tên là Lisa Kishkina, vợ ông Lý Lập Tam, nguyên Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị kiêm Bí thư Trưởng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc” (sau này, ông Lý Lập Tam bị sát hại trong cuộc Cách mạng Văn hóa, đến năm 1980 mới được phục hồi danh dự).

Nguyên Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (thứ 2 từ phải) cùng các Ngoại trưởng ASEAN trong cuộc họp kết nạp Việt Nam vào ASEAN tại Brunei, ngày 28/7/1995. (Ảnh: Trần Sơn-TTXVN)

Hai năm sau, Nguyễn Mạnh Cầm được cử sang Liên Xô, là một trong những người đầu tiên xây dựng, mở rộng Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (thời ấy, ông Nguyễn Lương Bằng làm Đại sứ). Ông chính thức bước vào nghề ngoại giao từ đó, bắt đầu từ phiên dịch viên đến Trưởng phòng Liên Xô (1956), rồi Phó Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Tổng hợp (1973). Sau đó, được cử làm Đại sứ tại Hungary kiêm Đại sứ tại Áo và Iran.

Sau Đại thắng Mùa xuân năm 1975, Nguyễn Mạnh Cầm được bổ nhiệm Đại sứ, tiếp quản Đại sứ quán từ chính quyền Việt Nam Cộng hòa tại Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức), một công việc mới mẻ, khó khăn và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tích lũy cho mình những kinh nghiệm quý báu trong hoạt động đối ngoại với phương Tây.

Năm 1981, đang là Vụ trưởng Tổ chức - Cán bộ Bộ Ngoại giao, ông Nguyễn Mạnh Cầm bỗng được gợi ý sang làm Thứ trưởng Bộ Ngoại thương. Từ ngoại giao sang ngoại thương nghe đã “giàu có” hơn rồi, từ Vụ trưởng lên Thứ trưởng là bước tiến vượt xa, từ cán bộ thường lên cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước, là bước đệm để tiến xa hơn nữa.... Thế mà ông xin không được nhận chức, với lý do chưa rành công tác ngoại thương, sợ không hoàn thành nhiệm vụ. Chỉ khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng đưa tờ Quyết định chưa ký ra nói: “Đây là nhiệm vụ Đảng phân công”, ông mới đành chịu. Do có những đóng góp xuất sắc từ thời ở Bộ Ngoại giao và nỗ lực vươn lên trên lĩnh vực mới, tại Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), Nguyễn Mạnh Cầm được tín nhiệm bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Ngày 5/8/1995, tại Hà Nội, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Warren Christopher và Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký Nghị định thư, chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ

Năm 1991, khi ông Nguyễn Cơ Thạch thôi chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười mời Nguyễn Mạnh Cầm lên, ngỏ ý đề cử ông làm người kế nhiệm. Lần này thì ông “hoảng hốt” thật sự. Ông thưa rằng: “làm Bộ trưởng khó lắm, xin anh báo cáo lại với Bộ Chính trị cho tôi xin, chọn người khác tài năng hơn, xứng đáng hơn!”.

Ông Đỗ Mười nghiêm giọng: “Thì ý kiến Bộ Chính trị đây: Anh có 35 năm làm nghề ngoại giao, 5 năm ngoại thương. Mà ngoại giao thời gian tới là làm kinh tế, thương mại. Anh là người vừa có kinh nghiệm ngoại giao, vừa có kinh nghiệm ngoại thương. Hai cái ấy kết hợp lại thì tuyệt vời còn gì. Vì thế Bộ Chính trị mới chọn anh. Anh còn ý kiến gì nữa không?”. 

Thế là Nguyễn Mạnh Cầm trở thành Bộ trưởng Ngoại giao 2 nhiệm kỳ, vào Bộ Chính trị khóa VII, khóa VIII; Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế đối ngoại từ ngày 29/9/1997 đến ngày 12/8/2002.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Gong Ro-myeong ký hiệp định về việc Hàn Quốc cho Việt Nam vay vốn ODA (Seoul, 12/4/1995). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

Dấu ấn trong công tác ngoại giao và kinh tế đối ngoại

Nói đóng góp của mỗi người cho cuộc đời, nhất là những người như Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm thì nhiều lắm. Việc tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ngày còn trẻ cũng là đóng góp. Hai nhiệm kỳ làm Chủ tịch Hội Khuyến học làm tăng số hội viên từ 4 triệu lên 15 triệu và tạo ra một phong trào khuyến học sâu rộng trên phạm vi toàn quốc cũng là một đóng góp…

Ở đây, chúng tôi chỉ nói về những đóng góp của ông trên lĩnh vực ngoại giao và kinh tế đối ngoại trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Có thể phân chia lịch sử ngoại giao Việt Nam thế kỷ XX thành ba cột mốc. Đó là ngoại giao thời kỳ giành và bảo vệ nền độc lập dân tộc kết thúc bằng Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Ngoại giao giai đoạn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và thống nhất đất nước kết thúc bằng Hiệp định Paris năm 1973 và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử 1975. Ngoại giao thời đổi mới hội nhập từ sau Đại hội VI, song nếu nói một cách chính xác hơn, giai đoạn ngoại giao đổi mới và hội nhập bắt đầu từ Đại hội Đảng VII (1991) khi đề ra đường lối đối ngoại độc lập tự chủ rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế.

Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm và Bộ trưởng Ngoại giao Lee Sang-ok ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (Hà Nội, 22/12/1992). Ảnh: TTXVN

 

Xét từ góc độ này, nếu giai đoạn thứ nhất gắn liền với tên tuổi của Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Văn Đồng; giai đoạn thứ hai gắn liền với tên tuổi của các nhà ngoại giao Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh và Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình thì giai đoạn hội nhập đổi mới gắn liền với tên tuổi Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm.

Với phương châm: “Đằng sau một nhà ngoại giao là dân tộc”, những việc mà công tác ngoại giao làm được dưới thời Nguyễn Mạnh Cầm làm Bộ trưởng và Phó Thủ tướng phụ trách đối ngoại làm được đều có ý nghĩa chiến lược:

 Ký kết Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, ngày 30 tháng 12 năm 1999. Đây là một thành tựu lịch sử, chấm dứt tranh chấp, xung đột; đặt nền tảng pháp lý, chính trị để hai nước duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng một cách lâu dài, đáp ứng được nguyện vọng của Nhân dân hai nước; mở rộng và củng cố tình hữu nghị Việt - Trung.

Đồng chí Nguyên Mạnh Cầm - 11 năm chèo lái con thuyền mang tên "khuyến học"

Nếu như dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, chúng ta bước đầu phá được thế bao vây cấm vận, thì dưới thời Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Cầm, Việt Nam đã thực hiện thành công đa phương, đa dạng hóa quan hệ: gia nhập ASEAN vào ngày 28 tháng 7 năm 1995; tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) năm 1996; trở thành thành viên của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC - chiếm 38% dân số thế giới, đóng góp 62% GDP và gần 50% thương mại toàn cầu) ngày 15 tháng 11 năm 1998; có quan hệ với 170 nước trên thế giới. Đây là biểu hiện rực rỡ của thắng lợi ngoại giao theo đường lối Đổi mới của Đảng. Tất cả những điều đó, không chỉ nhanh chóng đưa nước ta ra khỏi tình trạng khủng hoảng trầm trọng, kéo dài mà thu hút được rất nhiều nguồn lực từ công nghệ đến vốn (hàng chục tỷ đô la hoặc viện trợ, hoặc vay với lãi suất từ 0,75 đến 2,5 %; góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 7 - 8% trong nhiều năm...)

Chính vì vậy, trong buổi Lễ trao Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng cho đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm vào ngày 30/8/2022, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã khẳng định:

“Trên bất cứ cương vị nào, đồng chí Nguyễn Mạnh Cầm đều thể hiện rõ vai trò là nhà lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược, nhà ngoại giao xuất sắc, đầy bản lĩnh, có đóng góp to lớn vào quá trình mở cửa và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, làm tiền đề cho những bước tiến trong hội nhập sâu rộng và toàn diện sau này, đồng thời góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế, tạo cơ sở xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc gia, nâng cao vị thế quốc tế của Việt Nam”.

Đồng chí Nguyên Mạnh Cầm trong đợt đi cơ sở khuyến học

Một nhà văn, dịch giả chưa phát lộ hết tài năng...

Mỗi con người có thể có rất nhiều khả năng, có thể phát triển theo nhiều hướng, nhưng tiếc thay, thời gian vật chất giới hạn không cho phép con người phát huy hết mọi khả năng của mình.

Chúng ta biết rằng, trong hai cuộc kháng chiến, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đã giúp đỡ Việt Nam rất nhiều vũ khí và của cải. Ngoài ra còn có sự ủng hộ to lớn về mặt tinh thần, đó chính là văn học nghệ thuật, đặc biệt là văn học Nga - Xô viết. Những Chiến tranh và hòa bình, Người mẹ, Sông Đông êm đềm, Đội cận vệ thanh niên, Thép đã tôi thế đấy, Chuyện một người chân chính…; những tùy bút của Ê-ren bua; những bài thơ của Xi-mô-nốp,… đã bồi dưỡng phẩm chất anh hùng của biết bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Trong đó phải kể đến một truyện ngắn nổi tiếng của Sô-lô-khốp “Số phận con người” viết năm 1956. Truyện kể về An-đrây Xô-cô-lốp, một chiến sĩ lái xe của Hồng quân Liên Xô trong thế chiến thứ hai, bị bắt làm tù binh, nhưng vẫn giữ vững khí tiết, danh dự của người chiến sĩ Hồng quân. Điều đáng nói hơn, sau khi trốn khỏi trại tập trung, về đến được hậu phương thì vợ con ông đã chết bom, cả người con trai đại úy A-na-tô-li đáng tự hào cũng chết trận… Đau thương đến tột cùng, và dù “mang nỗi buồn sâu thẳm” đã không quật ngã được anh. Trên đường, gặp cậu bé Va-ni-a cũng mất hết người thân, ông nhận là bố của bé và hai người viết tiếp những chương đời trong tình yêu thương.

Truyện tuy ngắn, nhưng mang dung lượng sử thi đồ sộ, toát lên một tính cách Nga, một tư tưởng lớn: Nhân dân Liên Xô và con người nói chung, có thể chiến thắng đau thương, chết chóc và mọi hủy diệt của chiến tranh! Năm 1959, tác phẩm đã được dựng thành phim và tạo được tiếng vang lớn trên thế giới.

Đồng chí Nguyên Mạnh Cầm trao học bổng cho học sinh nghèo hiếu học

Chính Nguyễn Mạnh Cầm đã dịch truyện ngắn đặc sắc này sang tiếng Việt, góp phần tạo nên niềm tin, sức mạnh cho nhiều thế hệ, mà theo đánh giá của nhà thơ Bằng Việt, một dịch giả tiếng Nga nổi tiếng thì trong bản dịch có những đoạn còn hay hơn nguyên bản.

Cuộc đời làm ngoại giao đã tích luỹ trong ông nhiều kiến thức và tinh hoa văn hoá thế giới, chính vì vậy, Nguyễn Mạnh Cầm từng ấp ủ dành những năm tháng nghỉ hưu để viết. Ông chính là tác giả của cuốn sách “Đổi mới về đối ngoại và hội nhập quốc tế” do Nhà xuất bản Chính trị quốc gia ấn hành năm 2009.

Không biết ông còn những bản thảo tác phẩm văn học nào, nếu có, tôi tin đó sẽ là những cuốn sách hay, sâu sắc tính nhân văn kiểu “Số phận con người” và như chính cuộc đời ông…