Ngôi nhà mới ấm nghĩa tri ân

Những ngày nghỉ lễ, ở làng Bãi Sở, xã Tam Quang (Tương Dương), đi dọc các con ngõ, các ngôi nhà nơi nào cũng bắt gặp cờ đỏ sao vàng tung bay, gặp những gương mặt vui tươi hướng về ngày lễ lớn của dân tộc.

Rạng rỡ nụ cười đứng trước ngôi nhà mới xây, ông Đinh Xuân Thắng khoe “niềm vui nhân đôi” của gia đình và bản thân: “Được Nhà nước hỗ trợ 60 triệu đồng, cùng với số tiền con trai đi xuất khẩu lao động 5 năm nay gửi về, ông cháu tôi đã xây được ngôi nhà vững chãi như ước nguyện”.

bna_tam-quang.jpg
Các bản làng ở xã Tam Quang (Tương Dương) rực rỡ cờ hoa kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất đất nước. Ảnh: Hoài Thu

Ngôi nhà mới xây của ông Thắng nằm ngay bên mép con đường nối từ Quốc lộ 7A vào làng Bãi Sở. Ông Đinh Văn Thắng sinh năm 1954, sau khi từ chiến trường miền Nam trở về quê lập gia đình. Bốn người con lần lượt ra đời, hai vợ chồng ông cày cuốc nuôi con trưởng thành, song đến nay ông đã 76 tuổi vẫn chưa thể làm xây được ngôi nhà mới.

Căn nhà vợ chồng ông sống hơn nửa đời người đã xập xệ, mỗi mùa mưa bão đến lại run rẩy như muốn đổ sập. Mỗi lần mưa gió, ông vừa lo sợ, vừa ước ao một ngày nào đó ông có đủ tiền để xây ngôi nhà mới.

bna_nha-cu-ong-thang.jpg
Ngôi nhà cũ ông Đinh Xuân Thắng và gia đình đã sinh sống hơn 70 năm. Ảnh: NVCC

“Cách đây 5 năm, nhờ sự hỗ trợ của chính sách, nhờ chính quyền địa phương định hướng và đứng ra bảo đảm để tôi vay tiền ngân hàng lo cho con trai Đinh Xuân Hải đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Đã 5 năm, con tôi chăm chỉ lao động, ngoài lo trả nợ ngân hàng, hàng tháng cũng tích cóp được một ít gửi về. Kết hợp với đầu năm 2025 này, được Nhà nước hỗ trợ thêm 60 triệu đồng, tôi bàn với con xây nhà mới. Nay nhà đã hoàn thành, tôi thỏa ước nguyện, yên tâm hỗ trợ con cái làm ăn, lao động”, ông Đinh Xuân Thắng xúc động chia sẻ.

Cách nhà ông Đinh Xuân Thắng không xa, cũng là cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu ở chiến trường Sài Gòn, ông Nguyễn Hữu Lạc cũng có chung niềm vui khi căn nhà cũ xưa của mình được sửa sang lại sạch đẹp, chắc chắn hơn nhờ nguồn hỗ trợ 40 triệu đồng từ ngân sách Nhà nước hỗ trợ làm nhà, sửa chữa nhà cho người có công với cách mạng.

bna_ong-thang-trong-ngoi-nha-moi.jpg
Ông Đinh Xuân Thắng vui vẻ đón khách đến tham quan ngôi nhà mới của mình. Ảnh: Hoài Thu

Ông Nguyễn Hữu Lạc năm nay đã 90 tuổi. Ông sống cùng con cháu trong nếp nhà cũ của đã xây dựng cách nay hơn nửa thế kỷ. Được Nhà nước hỗ trợ làm nhà, song ông chỉ xin sửa chữa vì muốn giữ lại kỷ niệm, giữ lại ngôi nhà đã từng gắn bó với cha mẹ của mình, cũng như ông và vợ con đã sinh sống ấm êm ngót nghét gần 1 thế kỷ.

“Căn nhà còn chắc chắn, chỉ là tường, sàn nhà và một số gỗ ở trần nhà đã mối mọt, hư hỏng nên tôi muốn sửa sang lại, muốn lưu giữ căn nhà kỷ niệm của mình. Còn các con, cháu thì đã có nhà riêng, vợ chồng tôi ở trong căn nhà này rất vui. Nay được Nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, con cháu góp thêm nên nay nhà đã rất vững chãi”, ông Lạc vui vẻ bày tỏ.

bna_ong-lac-trong-ngoi-nha-moi-sua-chua.jpg
Ngôi nhà của ông Nguyễn Hữu Lạc vừa mới sửa chữa xong trước ngày nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2025. Ảnh: Hoài Thu

Niềm vui nhân đôi

Được hỗ trợ xây nhà, sửa chữa nhà, những cựu chiến binh, người có công với cách mạng ở huyện Tương Dương như ông Đinh Xuân Thắng, ông Nguyễn Hữu Lạc, Vi Văn Oanh… những ngày cả đất nước vui mừng đón chào lễ diễu binh mừng 50 năm ngày thống nhất đất nước, niềm vui như được nhân đôi.

“Tôi rất xúc động khi các thế hệ sau này chưa bao giờ quên lịch sử, quên sự hy sinh, cống hiến của cha ông. Qua thông tin báo chí, mạng xã hội mà con cháu chia sẻ, xem lễ diễu binh và thấy sự háo hức của nhân dân cả nước, tôi lại nhớ đến những ngày tháng chiến đấu năm xưa. Và thấy rằng mình được trở về, vui hưởng sự ưu đãi, quan tâm của Nhà nước, của cháu con là sự hạnh phúc, may mắn”, ông Đinh Xuân Thắng bày tỏ.

Thương binh Đinh Xuân Thắng nhớ lại, khi mới 18 tuổi ông làm đơn xin nhập ngũ. Đó là năm 1973, ông trở thành quân nhân của Trung đoàn 731, Sư đoàn 331, Quân khu 5. Ông kể: 8 năm trong quân ngũ, ông đã trải qua nhiều cuộc hành quân từ Nghệ An vào đến Sài Gòn. Sau khi được huấn luyện 3 tháng, ông cùng hơn 400 đồng đội được xe quân đội chở vào điểm tập kết ở Quảng Bình và bắt đầu chặng đường dài hành quân xuyên núi rừng Trường Sơn theo đường giao liên để vào tham gia giải phóng Sài Gòn. Đơn vị của ông vừa đi vừa chiến đấu, uống nước suối, ngủ giữa núi rừng, “đi không dấu nấu không khói” hơn 1 tháng trời mới có thể vào đến điểm tập kết.

bna_ong-thang-chup-anh-luu-niem-cung-dong-doi.jpg
Cựu chiến binh Đinh Xuân Thắng (ngoài cùng bên phải) chụp ảnh lưu niệm cùng đồng đội. Ảnh: NVCC

Những ngày tháng 4/1975, đơn vị của ông Thắng được lệnh tham gia Chiến dịch giải phóng thị xã Xuân Lộc, Tây Nguyên. Sau khi giải phóng Xuân Lộc không lâu cũng là thời điểm vỡ òa khi thông tin chiến thắng, giải phóng Sài Gòn. Sau tháng 4/1975, đơn vị của ông được lệnh chốt giữ tại thị xã Kon Tum, vừa giúp giữ vững chính quyền, vừa giúp người dân sản xuất, kiến thiết. Và sau đó, ông cùng đồng đội Trung đoàn 731 tham gia chiến đấu ở Campuchia và Chiến dịch Biên giới 1979, đến năm 1981 ông bị thương ở vùng đầu nên được chuyển về hậu cứ, rồi ông xuất ngũ trở về quê hương.

Cũng là người trực tiếp chiến đấu giải phóng Sài Gòn, năm 1973, ông Nguyễn Hữu Lạc lên đường vào Nam chiến đấu theo Lệnh Tổng động viên cùng với các công nhân Làng Mỏ Nghệ An.

“Năm đó, cùng với 300 đồng đội hành quân từ Quảng Bình vào miền Nam. Đi hơn 1 tháng, có những ngày mưa rừng, phải lội suối bùn ngập đến bụng, chúng tôi ăn cơm nắm trộn với bùn non, với nước mưa… Gian khổ là vậy, nhưng không một ai nao núng tinh thần, quyết chiến đấu đến ngày thắng lợi. Những đồng đội đã hy sinh, ngã xuống trên đường chiến đấu, chúng tôi không bao giờ quên”, ông Lạc xúc động kể lại.

bna_ong-nguyen-huu-lac.jpg
Ông Nguyễn Hữu Lạc tự hào giới thiệu những Huân, Huy chương ông vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng vì đã tham gia chiến đấu giải phóng Sài Gòn. Ảnh: Hoài Thu

Bà Kha Thị Hiền – Chủ tịch UBND xã Tam Quang cho biết, trong “chiến dịch” xây mới, sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở đợt này, toàn xã Tam Quang có 39 ngôi nhà và đến đầu tháng 5/2025 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Trong số 39 nhà có 4 nhà làm mới và 35 nhà sửa chữa cho các đối tượng là hộ nghèo, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở; có 3 hộ gia đình là thương binh, người có công với cách mạng đã được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở./.