Hạn mức trả tiền bảo hiểm do Thủ tướng Chính phủ quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Theo quy định này, trường hợp tổng số dư tiền gửi của một người gửi tiền tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lớn hơn hạn mức trả tiền bảo hiểm thì khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, số tiền Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của người đó (bao gồm tiền gốc và tiền lãi) tối đa sẽ bằng hạn mức trả tiền bảo hiểm. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024, quy định: Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng sổ tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng. Với quy định tại Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 thì bên cạnh hạn mức trả tiền bảo hiểm 125 triệu đồng thực hiện theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong từng trường hợp cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chi trả toàn bộ cho người gửi tiền. Kiến nghị Ngân hàng Nhà nước báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung quy định về hạn mức trả tiền bảo hiểm để đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Bảo hiểm tiền gửi”.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trả lời cụ thể như sau:
Khoản 2 Điều 24 Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012 quy định: “Thủ tướng Chính phủ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ”.
Khoản 2 Điều 188 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 quy định: Sau khi phương án phá sản được phê duyệt, Ngân hàng Nhà nước trình Thủ tướng Chỉnh phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền, tối đa bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng”.
Theo quy định tại Luật Bảo hiểm tiền gửi năm 2012, Thủ tướng Chính phủ sẽ quy định hạn mức trả tiền bảo hiểm theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ. Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 giao Thủ tướng Chính phủ quyết định hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước trong từng trường hợp cụ thể sau khi phương án phá sản của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt đã được phê duyệt theo quy định pháp luật.
Như vậy, Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi cho người gửi tiền để áp dụng chung cho các tổ chức có nhận tiền gửi. Riêng tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và có phương án phá sản được phê duyệt, tùy mức độ ảnh hưởng và tác động đến người gửi tiền cũng như an toàn hệ thống tổ chức tín dụng, Thủ tướng Chính phủ có thể phê duyệt mức chi trả bảo hiểm tiền gửi khác với mức chung và tối đa có thể bằng số tiền gửi của cá nhân được bảo hiểm tại tổ chức tín dụng. Đây là hạn mức chi trả cụ thể được áp dụng cho từng trường hợp cụ thể phát sinh trên thực tế.
Do đó, các quy định về hạn mức chi trả bảo hiểm tiền gửi tại Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 và Luật bảo hiểm tiền gửi năm 2012 thống nhất.