Đổi mới thể chế để đất nước vươn mình
Ngay trước thềm kỳ họp, Tổng Bí thư Tô Lâm có bài viết: “Đột phá thể chế, pháp luật để đất nước vươn mình”, trong đó khẳng định một sự thật không thể né tránh: nếu không tạo đột phá về thể chế, đất nước không thể bước vào một kỷ nguyên phát triển mới. Tư duy xuyên suốt trong bài viết của Tổng Bí thư là lời thúc giục mạnh mẽ: đổi mới thể chế không chỉ là việc làm của Quốc hội hay Chính phủ, mà là trách nhiệm chính trị của toàn hệ thống, của mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người đại biểu Nhân dân. Và phải đổi mới từ gốc, từ tư duy ban hành luật đến năng lực thực thi pháp luật, từ ý chí chính trị đến sự tử tế trong hành xử công vụ.

Trong đó, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy được đặt vào vị trí trung tâm - như một trụ cột để khơi thông toàn bộ hệ thống. Bộ máy đó không chỉ cần "gọn", mà phải "gần", không chỉ "hiệu quả", mà còn "hiểu dân". Không phải sắp xếp để giảm đầu mối một cách cơ học, mà để tái thiết mối quan hệ giữa Nhà nước với người dân, từ quản lý sang phục vụ, từ hành chính sang hành động.
Gửi gắm nguyện vọng đến diễn đàn Kỳ họp thứ Chín, cử tri mong muốn Quốc hội sáng suốt lựa chọn và quyết định vì sự phát triển của đất nước, như lời cử tri Nguyễn Anh Lương, tỉnh Hải Dương: “Chúng tôi kỳ vọng Quốc hội phát huy tinh thần đổi mới, dân chủ, trách nhiệm trước Nhân dân trong cuộc chuyển mình lịch sử”.
Khi kỳ vọng trở thành trách nhiệm
Không phải ngẫu nhiên mà ngay trong phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Chín, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã nhấn mạnh: Các đại biểu cần phát huy trí tuệ, bản lĩnh, tinh thần đổi mới, thảo luận sâu sắc và quyết định sáng suốt. Đó là một lời hiệu triệu nghị trường, nhưng sâu xa hơn, là lời cam kết trước Nhân dân. Kỳ vọng của cử tri phải được đặt vào trung tâm của mọi quyết sách.

Với khối lượng công việc đồ sộ và nhiều nội dung quan trọng, Kỳ họp thứ Chín có ý nghĩa lịch sử, thực hiện đột phá về thể chế để bước vào một kỷ nguyên của hiện đại hóa, số hóa, xanh hóa và phát triển bền vững như nhấn mạnh của Chủ tịch Quốc hội. Nổi bật trong đó là việc sửa đổi Hiến pháp năm 2013 - một quyết sách chiến lược nhằm thể chế hóa chủ trương sắp xếp lại bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, “gần dân, sát dân, sát thực tiễn”. Việc tổ chức lấy ý kiến rộng rãi Nhân dân trước khi quyết định là minh chứng cho tinh thần cầu thị, dân chủ, đúng như chỉ đạo xuyên suốt của Tổng Bí thư Tô Lâm: Mọi cải cách thể chế đều phải đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam.
Và cũng chính từ mảnh đất của thực tiễn, của đời sống và lòng dân, trách nhiệm chính trị của mỗi đại biểu được đặt ra một cách rõ ràng, cụ thể và không né tránh. Đó cũng là mong muốn của đông đảo cử tri, Nhân dân vào kỳ họp mang ý nghĩa lịch sử này.
Hội tụ trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của Nhân dân
Cử tri vui mừng vì theo báo cáo của Chính phủ tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ Chín, nền kinh tế quý I/2025 đã đạt mức tăng trưởng 6,93% - mức cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Nhiều địa phương tăng trưởng hai con số, thu ngân sách đạt khá, chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, hiệu quả… Những con số ấy là tín hiệu tích cực giữa bối cảnh còn không ít khó khăn, thách thức.
Nhưng đằng sau những tín hiệu lạc quan, vẫn còn không ít điều khiến người dân day dứt. Theo các báo cáo giám sát của Quốc hội và phản ánh từ cử tri, nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ tiếp tục rút lui khỏi thị trường; thị trường bất động sản phục hồi chậm; tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng… Những “điểm nghẽn” này không chỉ ảnh hưởng đến tăng trưởng, mà còn tác động trực tiếp đến sinh kế, việc làm và niềm tin vào hiệu quả điều hành. Đặc biệt, một số chính sách lớn như miễn học phí, phát triển nhà ở xã hội, hỗ trợ người có công... rất đúng đắn và hợp lòng dân vẫn còn vướng ở khâu thể chế hóa hoặc triển khai thiếu đồng bộ.

Gửi gắm tâm nguyện đến Kỳ họp thứ Chín, cử tri kiến nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm thể chế hóa kịp thời nhiều chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như: miễn học phí cho học sinh; nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh; chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức phải di chuyển nơi ở đến làm việc tại trung tâm hành chính mới; quy định cụ thể về chuyển mục đích sử dụng cơ sở dôi dư sau sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị...
Đây không chỉ là những chủ trương đúng, mà còn là niềm mong đợi thiết thực, gần gũi và chính đáng của Nhân dân. Và điều người dân kỳ vọng là tinh thần dám nghĩ, dám nói, dám làm và dám chịu trách nhiệm của từng đại biểu, từng cấp quản lý. Đặc biệt, đại biểu dân cử phải lắng nghe bằng cả trái tim và phản ánh bằng hành động cụ thể. Bởi chính sách chỉ thực sự "đúng" khi đi vào đời sống; và những quyết sách mang tầm chiến lược chỉ có giá trị khi tạo nên sự thay đổi thật sự trong từng dịch vụ công nhanh gọn, trong từng ngày đến trường không còn lo học phí, trong từng mái nhà vững chãi thay cho căn lều dột nát - cử tri Nguyễn Văn Thao, quận Tây Hồ, Hà Nội bày tỏ.
Kỳ họp thứ Chín là diễn đàn để các đại biểu Quốc hội thể hiện bản lĩnh và trách nhiệm trước Nhân dân. Như lời một nữ cử tri ở Tây Nguyên: “Mong mỏi của chúng tôi không nhiều - chỉ cần các đại biểu Quốc hội nhớ rằng, mỗi câu nói của mình đều in dấu trong lòng dân, và mỗi quyết định sáng suốt đều góp phần quan trọng làm đời sống tốt lên”. Kỳ họp thứ Chín không chỉ là kỳ họp của các con số, mà còn là diễn đàn làm sáng lên, nhân lên những kỳ vọng, mong muốn của cử tri, với niềm tin trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Quốc hội không chỉ là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, mà thực sự là nơi hội tụ trí tuệ, bản lĩnh và khát vọng của Nhân dân.