
Muốn luật đi vào đời sống, có thể bắt đầu từ câu hỏi: Người dân hiểu gì và cảm thấy gì khi nghe tới luật? Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh pháp luật “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”.
.jpg)
Câu chuyện từ tấm bảng “Không phận sự miễn vào”
Một lần đi thực tế ở một xã vùng sâu, bắt gặp tấm bảng treo lặng lẽ ngoài cổng trụ sở: “Không phận sự miễn vào”. Chữ đỏ, in đậm, treo giữa cổng, nhìn vào tưởng đâu là cổng khu quân sự hay công trường đang thi công.
Một bác nông dân dựng xe đạp trước cổng, tay cầm xấp hồ sơ. Thấy ngập ngừng mãi không dám bước vào. Hỏi ra, bác nói: “Tui tới xin giấy xác nhận đất đai, chớ không biết mình có… phải phận sự hông. Mấy chữ này làm tui thấy mình lạc chỗ”.
Một câu nói đơn sơ mà khiến lặng người. Pháp luật là của dân, vì dân, nhưng đôi khi chính người dân lại thấy mình là người đứng ngoài cuộc – bởi sự vô tình của ngôn từ, bởi những khoảng cách vô hình dựng nên giữa cơ quan công quyền với cuộc sống đời thường. Pháp luật, nếu không được xây dựng và thi hành từ sự thấu hiểu con người thì dễ trở thành thứ “treo cao” mà lòng dân thì… lặng im bên ngoài cổng.
.jpg)
Xây dựng pháp luật không phải để quản mà để kết nối
Nghị quyết 66-NQ/TW của Đảng xác định: Công tác xây dựng và thi hành pháp luật là “đột phá của đột phá” trong hoàn thiện thể chế phát triển đất nước. Có lẽ, “đột phá” không nằm ở việc viết thêm luật, siết thêm quy định, mà nằm ở tư duy mới về vai trò của pháp luật trong cuộc sống.
Pháp luật không chỉ là hệ thống điều khoản, mà là cây cầu nối giữa Nhà nước với Nhân dân, giữa kỳ vọng phát triển với hành vi thực tiễn, giữa quy định và cảm xúc. Có một câu danh ngôn hay: “Luật pháp không nên là mê cung để người dân đi lạc, mà là con đường để họ đi tới”.
Thể chế phải được xây từ đất, không chỉ viết từ bàn giấy
Muốn luật đi vào đời sống, có thể bắt đầu từ câu hỏi: Người dân hiểu gì và cảm thấy gì khi nghe tới luật? Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh pháp luật phải “đứng trên mảnh đất thực tiễn của Việt Nam”. Thực tiễn ấy có tiếng rao ngoài chợ, có lo lắng của người làm sổ đỏ, có băn khoăn của doanh nghiệp nhỏ về điều kiện kinh doanh, khi gặp khó khăn thì gặp ai để được tư vấn, có câu hỏi ngại ngùng của người dân rằng: “Làm đúng luật có dễ không?”.
Không ít trường hợp, người dân không cố tình vi phạm chỉ là không biết phải tuân theo cái gì, bởi văn bản thì nhiều, hướng dẫn thì chồng chéo, cơ quan thì ngại giải thích, còn người dân thì sợ sai. Khi người dân không hiểu luật, họ không thể làm đúng; khi luật quá xa vời, sự tuân thủ trở thành điều bất đắc dĩ.

Tâm lý học hành vi - chìa khoá bổ sung cho tư duy lập pháp
Hành vi của con người không chỉ tuân theo lý trí, mà chịu ảnh hưởng mạnh từ thói quen, cảm xúc, và trải nghiệm. Nếu quy định gây căng thẳng, tạo cảm giác bị theo dõi, thiếu thân thiện thì phản ứng thường thấy là né tránh, trì hoãn hoặc phớt lờ. Pháp luật hiệu quả không phải là pháp luật khiến người ta sợ, mà là pháp luật khiến người ta muốn làm đúng. Muốn vậy, xây dựng pháp luật cần kết hợp với tư duy khoa học hành vi: dễ hiểu - để người ta nhớ, dễ làm - để người ta thực hiện, có phản hồi - để người ta điều chỉnh.
Văn hóa tuân thủ bắt đầu từ sự tử tế của cả hai phía
Không thể đòi hỏi người dân chấp hành pháp luật nếu chính sách thay đổi liên tục, ngôn ngữ rối rắm, cán bộ thiếu tận tâm. Cũng không thể đòi hỏi doanh nghiệp làm đúng nếu thủ tục nhiêu khê, quy trình chồng lấn, mỗi nơi mỗi kiểu.
Nghị quyết 66-NQ/TW đặt trọng tâm vào việc xây dựng văn hóa tuân thủ, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật, bắt đầu từ sự tử tế của cả hai phía: người dân và cán bộ thực thi pháp luật. Người dân cần được hướng dẫn, không bị làm khó. Cán bộ cần được đào tạo để hiểu rằng mình không chỉ “quản lý”, mà là người hướng dẫn pháp lý cho cộng đồng.
Đầu tư cho pháp luật là đầu tư cho sự bền vững
Nghị quyết 66-NQ/TW đã xác định rõ: Đầu tư cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật là đầu tư cho phát triển. Đầu tư không chỉ là ngân sách, cơ sở vật chất, mà còn là đầu tư cho đội ngũ cán bộ làm luật, từ người nghiên cứu chính sách, soạn thảo văn bản, cho tới người phổ biến, giải thích và thi hành. Họ là những người gieo hạt giống công bằng và liêm chính, kiến tạo nên nền tảng ổn định, giúp người dân an tâm làm ăn, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, xã hội giảm tranh chấp.

Gieo niềm tin pháp luật vào lòng dân
Câu trích trong một quyển sách: “Một quốc gia mạnh không nằm ở số lượng luật, mà nằm ở cách luật đó được cảm nhận và sống bởi người dân”.
Pháp luật không chỉ là công cụ. Pháp luật là lời cam kết giữa Nhà nước với người dân rằng quyền lợi sẽ được bảo vệ, việc làm sẽ được ghi nhận, tranh chấp được phân xử công bằng, và mọi người đều bình đẳng trong khuôn khổ luật pháp. Pháp luật được viết ra từ thực tiễn sẽ đi vào đời sống. Tư duy pháp luật cần bám đất như cây phải bám rễ. Không có đạo luật hay nghị định nào có thể thành công nếu không “đứng trên đất thực tiễn” như Nghị quyết 66-NQ/TW nhấn mạnh. Pháp luật phải được gieo trồng từ trải nghiệm của người dân, chắt ra từ đời sống, sinh kế, văn hoá, tập quán, tâm lý cộng đồng.
Muốn phát triển bền vững, pháp luật phải không chỉ đúng mà còn gần gũi, không chỉ chặt chẽ mà còn dễ hiểu, không chỉ áp đặt mà còn tạo động lực hành vi. Doanh nghiệp cần được tư vấn sắc thuế nào phải đóng, trường hợp nào được miễn, giảm, quy chuẩn kỹ thuật nào phải thực hiện, quy trình nào phải đảm bảo khi đưa sản phẩm ra thị trường. Nông dân phải biết sản xuất như thế nào để nông sản được xuất khẩu. Một nhà lãnh đạo đúc kết: “Luật pháp là nhịp tim của một quốc gia, nếu chậm quá sẽ nghẽn mạch, nếu nhanh quá sẽ gây rối loạn”.
Pháp luật muốn đi vào đời sống không thể chỉ dựa vào chế tài, mà còn phải gieo niềm tin. Một hệ thống pháp luật nhân văn, khả thi, dễ tiếp cận sẽ kích hoạt hành vi đúng bằng động lực bên trong, chứ không bằng nỗi sợ bên ngoài. Và muốn điều đó xảy ra, phải đơn giản hóa ngôn ngữ pháp lý, cá nhân hóa cách tiếp cận pháp luật, và lấy người dân làm trung tâm trong trải nghiệm chính sách.
Luật pháp không thể là một mê cung để ai đó đi lạc, mà phải là con đường để mọi người đi tới. Câu chuyện ấy không nằm trong giáo trình luật học nào, nhưng lại là bài học quý giá về niềm tin vào pháp luật, về khoảng cách giữa con chữ và cuộc sống, giữa chính sách và tâm lý hành vi của người dân.
Nguồn: daibieunhandan.vn