Gắn mã QR chỉ dẫn đường đi
Cuối tháng 6/2025, sau hành trình đến với các điểm du lịch cộng đồng ở xã Mường Lống, chị Trần Thùy Lâm mang theo những thông tin khá mới mẻ từ các bản làng nơi cổng trời Nghệ An. Chị Trần Thùy Lâm quê ở xã Diễn Châu. Dịp nghỉ hè này, sau khi các con đã thi xong, chị Lâm cùng gia đình và một số người bạn có chuyến trải nghiệm du lịch ở các xã miền Tây xứ Nghệ.

Đây không phải lần đầu tiên chị Lâm đến các điểm du lịch ở miền rẻo cao, trong đó có Mường Lống, song chuyến đi này vẫn mang đến cho chị nhiều điều mới mẻ.
“Trước đây đến Mường Lống, cần tới những địa điểm nào thì du khách phải hỏi người địa phương, hoặc phải liên hệ trước với các chủ homestay, chủ các địa điểm ăn uống, dịch vụ, nhờ họ đón hoặc dẫn đường thì chúng tôi mới đến được đúng địa chỉ. Nhưng nay lên đến cổng trời Mường Lống, ngay tại điểm check-in đã có bảng biển quảng bá ghi rất rõ thông tin điểm đến, kèm theo đó là các mã QR hướng dẫn đường đi, chỉ cần quét trên điện thoại là có thể đến đúng nơi mình cần, rất thú vị và tiện lợi” - chị Trần Thùy Lâm cho biết.

Ngoài cập nhật bảng biển chỉ dẫn tiện lợi cho du khách, hệ thống các điểm đến cũng như đường sá đi lại ở Mường Lống cũng đã được tu sửa, xây dựng khang trang, sạch đẹp hơn. Những vườn mận cũng như các homestay phục vụ nghỉ ngơi, ăn uống ở đây ngày càng chuyên nghiệp.
Đặc biệt, người dân địa phương cũng chính là những chủ nhân của các dịch vụ du lịch nơi đây, vừa là ông chủ/bà chủ, vừa là nhân viên, vừa là nông dân trực tiếp lao động, sản xuất, cùng với sự thân thiện, hiếu khách, đã mang đến cho du khách cảm giác thoải mái, tự nhiên, dễ hòa mình vào cuộc sống bản làng.

Chị Lầu Y Dếnh, chủ homestay Y Dếnh ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống là một ví dụ. Năm 2021, chị cùng người thân trong gia đình sửa sang lại ngôi nhà của mình và đăng ký thành lập điểm homestay phục vụ du khách. Tại đây, ngoài tự tay phục vụ chỗ nghỉ ngơi cho du khách, chị Dếnh cùng chồng và các con còn trực tiếp trồng rau, nuôi gà, lợn, chế biến các mâm cơm mang đậm bản sắc đồng bào Mông. Tất cả các homestay ở Mường Lống đều thực hiện theo cách làm này.

Từ một homestay ban đầu do Trưởng bản Mường Lống 1 Vừ Tồng Pó thành lập, đến nay, xã Mường Lống đã có 6 homestay cùng với 1 điểm dịch vụ khá hiện đại là Mường Lống Eco. Bên cạnh đó, từ khi có dịch vụ homestay, tại đây cũng ra đời Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống và hình thành làng nghề thêu thổ cẩm Mông Pà Tâu tại bản Mường Lống 1. Đây cũng là làng nghề đầu tiên của đồng bào Mông ở Nghệ An.
Tiến tới làm du lịch chuyên nghiệp

Chị Lê Thị Vân - thành viên Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng Mường Lống - là người gắn bó với du lịch cộng đồng từ những ngày đầu. Nhờ sự hỗ trợ của các cấp, ngành và tổ chức, chị cùng nhiều hộ dân nơi đây đã dần làm du lịch chuyên nghiệp hơn.
Ngày 24/4/2025, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 1152, cho phép hợp tác xã sử dụng địa danh Mường Lống để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Du lịch cộng đồng Mường Lống”, đồng thời xác nhận khu vực địa lý tương ứng trên bản đồ.
Ngày 10/7/2025, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định công nhận "Điểm du lịch cộng đồng Mường Lống", tạo thêm động lực để người dân mạnh dạn, yên tâm nâng cấp nghề du lịch, dịch vụ nơi rẻo cao Mường Lống.
Ông Vừ Bá Lỳ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Mường Lống cho biết, người dân Mường Lống không chỉ biết trồng rau, chăn nuôi gà, lợn, thêu thổ cẩm, mà còn biết dựa vào những thế mạnh, sự đặc sắc về phong tục, tập quán cũng như cảnh sắc, điều kiện thiên nhiên ở xã Mường Lống để làm phong phú những dịch vụ, trải nghiệm du lịch cộng đồng. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ về cả kinh phí và chuyên gia để tập huấn, hướng dẫn người dân phát triển du lịch cộng đồng dựa vào thế mạnh của địa phương.

Gần đây nhất, chương trình các dự án nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu vừa tài trợ kinh phí để lắp đặt các biển chỉ dẫn, quảng bá, giới thiệu các điểm đến của Mường Lống. Các biển này được lắp đặt tại vị trí thuận lợi để du khách nắm thông tin và tra cứu các điểm đến một cách nhanh chóng, dễ dàng lan tỏa rộng rãi trên các hệ thống thông tin nhờ áp dụng công nghệ số.

Nghệ An có nhiều điểm du lịch cộng đồng sinh thái hấp dẫn, đặc biệt ở các huyện miền núi như Mường Lống, Na Ngoi, Châu Tiến, Tam Quang… Những cách làm du lịch như ở xã Mường Lống, Hùng Chân cho thấy bước đầu đã đi đúng định hướng và có hiệu quả nhất định, góp phần phát triển sản phẩm tour, tuyến du lịch đặc trưng của từng địa phương và các khu, điểm du lịch trọng điểm, đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao hình ảnh du lịch tỉnh Nghệ An./.