Chính sách phải đi vào thực chất
Nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi), ĐBQH Trần Đức Thuận cho rằng, việc ban hành Luật nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy; bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục vướng mắc, bất cập trong việc thực hiện Luật Cán bộ, công chức năm 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2019.
Liên quan đến chính sách đối với người có tài năng trong hoạt động công vụ được quy định tại Điều 6 dự thảo Luật, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng: Dự thảo đã bổ sung nhiều nội dung giao cho Chính phủ quy định chi tiết như khung cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ đối với người có tài năng. Bày tỏ đồng tình với việc bổ sung này, đại biểu lý giải: Thời gian qua, mặc dù Luật Cán bộ, công chức sửa đổi năm 2019 đã có quy định về chính sách này, nhưng quá trình thực hiện còn nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập.
Nhiều nơi công tác tuyển dụng chưa gắn chặt với năng lực thực chất; còn thiên về bằng cấp; thiếu đánh giá thực tiễn về tư duy, sáng tạo, kỹ năng mềm; thiếu môi trường phong phú để người tài phát huy năng lực. Chính sách đãi ngộ còn kém hấp dẫn; mức lương, phụ cấp và điều kiện làm việc chưa tương xứng với đóng góp của người có tài năng thực sự. Chưa có cơ chế phân biệt rõ người giỏi, người có năng lực vượt trội, dẫn đến tình trạng chảy máu chất xám từ khu vực công sang khu vực tư.

Để chính sách này thực sự đi vào cuộc sống, trở thành đòn bẩy cho các cơ quan trong hệ thống chính trị, hành chính thu hút và giữ chân nhân tài, đại biểu Trần Đức Thuận đề nghị: Trong tuyển dụng, cần coi trọng tổ chức thi tuyển, cạnh tranh công khai các vị trí công chức chuyên môn, quản lý. Xây dựng cơ chế tuyển chọn đặc cách nhân tài – với các cá nhân có thành tích đặc biệt, học vị cao, hoặc có sáng kiến đột phá. Đưa vào sử dụng các công cụ đánh giá năng lực toàn diện như phỏng vấn tình huống, thuyết trình đề án, phản biện chính sách…
Trong sử dụng và bố trí công việc, cần giao đúng việc, đúng sở trường; đặt người tài vào vị trí có không gian phát huy năng lực. Có thể thử nghiệm mô hình hợp đồng vị trí việc làm linh hoạt; xây dựng lộ trình phát triển rõ ràng, bảo đảm người tài không bị “chìm” trong hệ thống hành chính cứng nhắc.
Cùng với đó, cần xây dựng cơ chế lương, thưởng theo hiệu quả công việc, gắn với kết quả đầu ra, sáng kiến, mức độ hài lòng của người dân. Có chính sách đặc biệt cho cán bộ, công chức có tài năng ở các lĩnh vực then chốt như khoa học, công nghệ, y tế, giáo dục, xây dựng thể chế… Đồng thời, tạo dựng văn hóa trọng dụng nhân tài, dân chủ, khuyến khích sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; bảo vệ người dám đổi mới, có chính sách khuyến khích thử nghiệm mô hình mới trong hành chính công.
ĐBQH Trần Đức Thuận cũng cho rằng, dự thảo Luật cần ghi nhận nguyên tắc trọng dụng nhân tài là định hướng lâu dài của Nhà nước, thể hiện bằng các điều khoản cụ thể về: tuyển dụng đặc cách; đãi ngộ theo năng lực và kết quả công việc; phân cấp mạnh cho địa phương, đơn vị trong việc phát hiện và sử dụng nhân tài.
Tuyển dụng linh hoạt, đánh giá thực chất
Dẫn quy định tại khoản 3 Điều 22 dự thảo Luật: “Người được tuyển dụng phải đáp ứng ngay yêu cầu của vị trí việc làm cần tuyển”, đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, đây là một trong những nội dung đổi mới theo hướng tăng cường hiệu quả công tác tuyển dụng, gắn với mô hình quản lý công chức theo vị trí việc làm.

“Về nguyên tắc, quy định này hoàn toàn phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và hiện đại hóa nền công vụ. Điều này giúp nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, tránh tình trạng tuyển dụng hình thức, đầu vào không bảo đảm chất lượng chuyên môn, dẫn đến hạn chế trong thực thi công vụ”, đại biểu nhấn mạnh.
Tuy nhiên, xét về thực tiễn, không phải tất cả vị trí việc làm đều có sẵn nguồn nhân lực đáp ứng đầy đủ tiêu chí ngay từ đầu, đặc biệt là ở địa phương, cấp xã, vùng sâu, vùng xa hoặc đối với các vị trí chuyên sâu, đặc thù. Trong nhiều trường hợp, ứng viên có kiến thức cơ bản nhưng cần được đào tạo, bồi dưỡng thêm về kỹ năng, nghiệp vụ, hoặc am hiểu thực tế địa bàn để thực hiện tốt nhiệm vụ… Do đó, quy định cứng nhắc rằng người trúng tuyển phải “đáp ứng ngay” có thể gây khó khăn trong tuyển dụng, hoặc dẫn đến tình trạng thiết kế tiêu chí phù hợp với ứng viên có sẵn, làm giảm tính khách quan.

Trên cơ sở đó, ĐBQH Trần Đức Thuận đề xuất cần quy định linh hoạt hơn theo hướng: phân loại vị trí việc làm thành nhóm yêu cầu “đáp ứng ngay” (vị trí chuyên môn kỹ thuật, hành chính sự nghiệp có tính chuyên ngành rõ ràng) và nhóm “được bồi dưỡng sau tuyển dụng” (các vị trí quản lý hành chính địa phương, công tác dân vận, văn hóa – xã hội). Đồng thời, bổ sung quy định về nghĩa vụ hoàn thành khóa đào tạo, bồi dưỡng bắt buộc trong thời gian thử việc đối với các trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ kỹ năng nghiệp vụ.

Trao đổi với phóng viên, đại biểu Trần Đức Thuận cũng bày tỏ hoàn toàn đồng tình với các chính sách mới, như: đề xuất không còn quy định về ngạch công chức, thay vào đó là quản lý theo vị trí việc làm; phân loại công chức theo cơ quan công tác, phạm vi hoạt động và vị trí việc làm; xóa bỏ tư duy “biên chế suốt đời”, chuyển sang quản lý công chức theo kết quả thực thi nhiệm vụ; đánh giá công chức dựa trên năng lực và kết quả công việc thay vì các tiêu chí hình thức, cảm tính; chuyển đổi công chức cấp xã thành công chức thuộc biên chế của tỉnh… Đây là những đổi mới quan trọng nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu quả thi hành công vụ.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính thống nhất và khả thi trong thực hiện, đại biểu đề nghị cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các quy định liên quan trong các luật hiện hành; đồng thời ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể để hỗ trợ quá trình chuyển đổi.