Tham dự họp báo có các Ủy viên Trung ương Đảng: Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Quốc Hùng; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại Nguyễn Quốc Hùng; Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định; Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Danh Huy; Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Phạm Quang Dũng.

9 luật được công bố chiều nay, gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Luật Năng lượng nguyên tử; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng; Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc; Luật Đường sắt.

Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc gồm 5 chương và 27 Điều, quy định lực lượng Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc gồm: lực lượng vũ trang, lực lượng dân sự (là cán bộ, công chức, viên chức). Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về việc tham gia gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Bộ Quốc phòng và Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Cũng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026, Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân quy định chủ thể dữ liệu cá nhân có 6 quyền đối với dữ liệu cá nhân của mình. Trong đó, có các quyền quan trọng trong xác lập căn cứ hợp pháp cho hoạt động xử lý dữ liệu cá nhân của các tổ chức, cá nhân có liên quan như: quyền được biết, quyền đồng ý hoặc không đồng ý, quyền rút lại sự đồng ý…
Cùng với đó là quyền xem, chỉnh sửa hoặc yêu cầu chỉnh sửa, yêu cầu cung cấp, xóa, hạn chế xử lý, hay phản đối xử lý dữ liệu cá nhân. Khi quyền lợi bị xâm phạm chủ thể dữ liệu cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Luật Đường sắt có những quy định mới, mang tính “đột phá” cho đầu tư phát triển đường sắt, trong đó đẩy mạnh phân quyền từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng và từ Chính phủ, Bộ cho chính quyền địa phương theo phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” để phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương trong đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, đặc biệt là đường sắt địa phương. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng đã quy định về điều chỉnh thẩm quyền quyết định cho vay đặc biệt của Ngân hàng Nhà nước lãi suất 0%/năm, không có tài sản bảo đảm, để bảo đảm phân cấp, phân quyền triệt để cho Ngân hàng Nhà nước, hỗ trợ thanh khoản kịp thời cho các tổ chức tín dụng thông qua cho vay đặc biệt; quy định về quyền thu giữ tài sản bảo đảm; quy định về kê biên tài sản bảo đảm; hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng của vụ án hình sự. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2025.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đã đổi mới toàn diện phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo các định hướng lớn, như chuyển đổi mô hình quản lý chất lượng theo rủi ro; quy định rõ nguyên tắc quản lý chất lượng phù hợp với từng mức độ rủi ro; quy định giảm nhẹ thủ tục hành chính đối với hàng nhập khẩu; ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn trong quản lý chuỗi cung ứng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.

Lần đầu tiên, các khái niệm mới như công nghệ số, công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tài sản số… được định danh trong Luật Công nghiệp công nghệ số. Đồng thời, ghi dấu Việt Nam trở thành nước đầu tiên trên thế giới ban hành một luật riêng về lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Luật bao gồm đầy đủ quy định, ưu đãi, hỗ trợ cần thiết để phát triển ngành công nghiệp công nghệ số. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã đổi mới mạnh mẽ trong tư duy quản lý, từ kiểm soát quy trình, đầu vào như hóa đơn, chứng từ chi tiết sang quản lý kết quả và hiệu quả đầu ra, chấp nhận rủi ro gắn với quản trị rủi ro. Đồng thời, xác lập định hướng rõ ràng về việc chuyển từ một quốc gia chủ yếu sử dụng công nghệ lõi sang làm chủ công nghệ chiến lược. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2025.
Luật Năng lượng nguyên tử bổ sung quy định về xã hội hóa, đa dạng hóa hình thức huy động nguồn lực đầu tư trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, qua đó tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tư nhân tham gia sâu rộng góp phần phát triển mạnh mẽ ứng dụng năng lượng nguyên tử. Luật cũng quy định về ứng phó sự cố bức xạ, sự cố hạt nhân và bồi thường thiệt hại bức xạ, thiệt hại hạt nhân. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã bổ sung quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, tạo nền tảng số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước theo hướng đẩy mạnh hậu kiểm thay cho tiền kiểm, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2026.