Góp ý văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030: Tâm huyết vì khát vọng Nghệ An phát triển

hoangvietduong(1).png

Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025 - 2030 là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, định hình, định hướng phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới. Đóng góp vào dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội, tôi đánh giá cao công tác chuẩn bị công phu, nghiêm túc, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược, quyết tâm đổi mới và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ tỉnh. Tuy nhiên, để các chỉ tiêu kinh tế - xã hội được đề ra có tính khả thi cao hơn, đồng thời tạo được sự đồng thuận rộng rãi và sức lan tỏa trong quá trình thực hiện, tôi xin mạnh dạn đề xuất một số vấn đề như sau:

Trước hết, điều chỉnh chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) giai đoạn 2026 – 2030 là 10% – 11% (trong dự thảo là 11 – 12%), bởi nhìn lại nhiệm kỳ 2020 – 2025, chúng ta mới đạt khoảng 8,3% – 8,5%, trong khi các cơ sở tính toán mức độ tăng trưởng trong nhiệm kỳ tới vẫn còn hạn chế, nhất là khi tỉnh đang bước vào giai đoạn ổn định mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương mới của Trung ương.

 Nghiên cứu tạo ra các sản phẩm tảo tại Công ty CP Khoa học công nghệ Tảo VN. Ảnh- Mai Hoa
Nghiên cứu tạo ra các sản phẩm tảo tại Công ty CP Khoa học công nghệ Tảo Việt Nam. Ảnh: Mai Hoa

Tương tự, tỉnh cần điều chỉnh chỉ tiêu GRDP bình quân đầu người về mức 150 – 160 triệu đồng/năm (tương đương 5.500 – 6.500 USD), trong dự thảo đề ra đạt 7.500 – 8.000 USD theo tôi là quá cao.

Về chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu, dự thảo đề ra đạt 10 tỷ USD, cao gấp 5,8 lần kết quả thực hiện nhiệm kỳ XIX. Trong bối cảnh các doanh nghiệp trong tỉnh, kể cả doanh nghiệp FDI còn gặp nhiều khó khăn, việc đạt được mốc này là không dễ; vì vậy, tôi kiến nghị nên đặt ở mức từ 6 – 8 tỷ USD sẽ hợp lý hơn.

Đối với chỉ số độ che phủ rừng, mục tiêu 58% cần được xem xét lại. Việc xác định tỷ lệ che phủ rừng cần dựa trên kết quả kiểm kê nghiêm túc, đánh giá đúng chất lượng rừng và phù hợp với thực tế địa bàn có nhiều biến động về khai thác, chuyển đổi đất rừng.

Về chỉ số giá tiêu dùng (CPI), việc phấn đấu vào tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước đáng hoan nghênh; tuy nhiên, cần cân nhắc thêm yếu tố thực tế và tính bền vững để tránh tạo sức ép quá lớn trong điều hành.

 Một điểm du lịch cộng đồng tại miền Tây Nghệ An
Một điểm du lịch cộng đồng tại miền Tây Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa

Một vấn đề nữa mà tôi quan tâm là trong hệ thống chỉ tiêu phát triển của dự thảo báo cáo chính trị chưa đề cập đến chỉ tiêu về ngành du lịch; trong khi đó, Nghệ An là tỉnh có tiềm năng lớn đối với ngành công nghiệp “không khói” này.

Nếu được quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng, sản phẩm, nhân lực và môi trường du lịch thì hoàn toàn có thể trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Do đó, tỉnh cần đặt ra chỉ tiêu về quy mô khách du lịch, hạ tầng du lịch và đóng góp của du lịch vào GRDP của tỉnh trong nhiệm kỳ tới.

Một điểm cần quan tâm nữa là hiện nay Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân. Vì vậy, dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội XX cần xây dựng các chỉ tiêu cụ thể hơn về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể; đồng thời chú trọng môi trường khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nhân phát triển lớn mạnh, hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao.

Tôi kỳ vọng những góp ý trên sẽ góp phần giúp Báo cáo chính trị Đại hội XX của Đảng bộ tỉnh Nghệ An thêm hoàn chỉnh, sát thực tế, định hình được tầm nhìn, mục tiêu, động lực và giải pháp phù hợp để Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng với vai trò cực tăng trưởng của khu vực Bắc Trung Bộ.

* * * * *

lequochong(1).png

Qua nghiên cứu dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội khoá XX Đảng bộ tỉnh Nghệ An, tôi đánh giá cao chất lượng văn kiện đã được chuẩn bị công phu, nghiêm túc.

Riêng phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025, tôi nhận thấy Văn kiện đã thể hiện rõ tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, đầy đủ, toàn diện.

Những thành tựu nổi bật trong nhiệm kỳ được nêu rõ, từ tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, đột phá trong thu hút FDI, kết cấu hạ tầng được nâng cấp cho đến chuyển biến tích cực lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục, y tế, an sinh, quốc phòng – an ninh và cải cách hành chính.

Văn kiện cũng đã nhấn mạnh những điểm mới, cách làm sáng tạo, nhận diện rõ các "điểm nghẽn", thách thức còn tồn tại và đặt ra các yêu cầu đổi mới, bổ sung để nâng cao chất lượng lãnh đạo, quản lý, điều hành trong thời gian tới.

 Trên địa bàn xã Thanh Liên có bể bơi, tạo sân chơi cho trẻ em. Ảnh Mai Hoa.
Xây dựng bể bơi, tạo sân chơi cho trẻ em vùng nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Tôi đặc biệt ủng hộ mục tiêu đến năm 2030 đưa Nghệ An trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, cực tăng trưởng tầm quốc gia; là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực then chốt như công nghiệp và nông nghiệp công nghệ cao, y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, thương mại, logistics… Những định hướng này thể hiện rõ tầm nhìn xa, tư duy chiến lược và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, Nghệ An trở thành tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại và có thu nhập cao là một đích đến có ý nghĩa sâu sắc.

Về quan điểm phát triển, tôi đồng tình với 5 quan điểm đã được nêu. Tuy nhiên, để bổ sung thêm chiều sâu trong tư duy chỉ đạo, tôi đề xuất thêm quan điểm: “Lấy người dân làm trung tâm, phát triển dựa trên sự lắng nghe và phản hồi từ thực tiễn; biết chắt lọc tinh hoa trí tuệ của thời đại, vận dụng sáng tạo tri thức toàn cầu và trong nước vào thực tiễn phát triển của tỉnh”. Đây là điều kiện quan trọng giúp Nghệ An phát triển nhanh, bền vững, có bản sắc.

 Sản xuất thôn thép tại Cụm công nghiệp Diễn Hồng. Ảnh- Mai Hoa
Sản xuất thôn thép tại Cụm công nghiệp Diễn Hồng. Ảnh: Mai Hoa

Về nhiệm vụ, giải pháp, tôi đồng ý với 9 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đã được nêu trong dự thảo báo cáo chính trị. Riêng về giải pháp: “Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh”, tôi đề nghị cần nêu chi tiết hơn, rõ hơn, mạnh hơn về phát triển kinh tế tư nhân; vừa nhằm thể hiện vai trò thực chất của khu vực tư nhân, vừa là căn cứ để xây dựng các chính sách hỗ trợ, đồng hành, khơi thông nguồn lực và khát vọng làm giàu chính đáng của người dân, doanh nghiệp.

* * * * *

truongvanhung.png

Là một doanh nhân đang đầu tư và kinh doanh đa ngành nghề, lĩnh vực tại Nghệ An và một số địa phương trong cả nước, tôi đánh giá cao tinh thần đổi mới, tầm nhìn phát triển và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của Đảng bộ tỉnh Nghệ An được thể hiện trong dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An khoá XX, nhiệm kỳ 2025 – 2030, đặc biệt là mục tiêu đưa Nghệ An trở thành cực tăng trưởng tầm quốc gia trong kỷ nguyên phát triển mới.

Để hiện thực hóa khát vọng đó, tôi đề nghị văn kiện cần quan tâm và nhấn mạnh hơn nữa vai trò, vị trí của khu vực kinh tế tư nhân, coi đây là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh để xây dựng các chỉ tiêu cụ thể hơn về số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh cá thể; đồng thời chú trọng môi trường khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nhân phát triển lớn mạnh, hình thành những doanh nghiệp có quy mô lớn, năng lực cạnh tranh cao.

 Dây chuyển sản xuất nước đóng chai của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Ảnh- Mai Hoa.
Dây chuyển sản xuất nước đóng chai của Tổng Công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An. Ảnh: Mai Hoa.

Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Thủ tục vay vốn còn rườm rà, tài sản bảo đảm khó đáp ứng, trong khi lãi suất chưa thật sự ưu đãi cho các ngành nghề sản xuất, kinh doanh chiến lược. Đề nghị tỉnh cần có chủ trương rõ ràng hơn trong việc huy động các nguồn lực tín dụng với lãi suất hợp lý, thông qua việc kết nối với ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ đầu tư phát triển địa phương hoặc chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, nhằm tiếp sức cho các doanh nghiệp có tiềm năng nhưng thiếu vốn.

Đặc biệt, cái khó lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp là thiếu đất sạch để đầu tư sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, đề nghị văn kiện cần xác định đây là một “điểm nghẽn” cốt lõi để từ đó có giải pháp đồng bộ trong quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng các khu – cụm công nghiệp, cụm làng nghề, nhất là ở các vùng trọng điểm phát triển. Cùng với đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, xây dựng, tạo ra một môi trường thuận lợi, thông thoáng để doanh nghiệp mạnh dạn mở rộng quy mô và đầu tư lâu dài.

Tôi tin rằng, nếu doanh nghiệp tư nhân được tiếp cận dễ hơn với vốn – đất – môi trường đầu tư ổn định, thì khát vọng tăng trưởng, phát triển bền vững của tỉnh không chỉ là mục tiêu trên giấy, mà sẽ trở thành hiện thực trong một tương lai rất gần.

 Đóng gói sản phẩm sữa TH. Ảnh Mai Hoa
Đóng gói sản phẩm sữa TH. Ảnh: Mai Hoa
Thư viện Cử tri gửi ý kiến Gửi đơn KNTC

Trang chủ

Mới nhất

Quê mình xứ nghệ

Video

Thư viện

Gửi Ý kiến